Vật nuôi, thú cưng có thể ủ bệnh và lây sang người nuôi chúng bất cứ lúc nào. Người nuôi luôn phải đối mặt với nguy cơ mắc rất nhiều bệnh từ những thú cưng của mình do sự tiếp xúc quá gần gũi giữa người và chúng. Rất nhiều vi sinh vật gây bệnh, từ vi khuẩn, nấm cho tới virus có thể lây từ vật nuôi sang người. Có đến hơn 150 bệnh lây lan từ thú nuôi sang người, trong đó có một số bệnh rất nguy hiểm có thể gây chết người. Phổ biến nhất là bệnh về giun, sán hay bệnh dại…
Trường hợp vật nuôi bị nhiễm bệnh dại và cắn người thì vi rút trong nước bọt của chúng truyền vào cơ thể qua vết cắn, vết cào, vết rách, xước trên da… Người bệnh dại có biểu hiện lâm sàng rất rõ nét như: sợ gió, sợ nước, đau nhức cơ thể, sưng tấy tại vết cắn và lan dọc theo hệ thần kinh kèm theo cảm giác bồn chồn, thổn thức, co giật, phản ứng cơ thể dữ tợn. Tất cả bệnh nhân khi đã lên cơn dại đều bị tử vong. Đầu tháng 6 vừa qua, người bệnh Phan Thị C. (24 tuổi, Phú Xuyên, Hà Nội), là bác sĩ thú y tại một phòng khám thú y tư nhân trên địa bàn tỉnh đã bị tử vong do chó dại cắn. Trong lúc đang làm việc, chị C. bị chó ốm cắn vào tay phải. Ngay sau đó, bác sĩ C. đã tự sơ cứu, rửa vết thương, sát trùng và băng lại. Sau 4 ngày con chó chết, tuy nhiên bệnh nhân vẫn không tiêm phòng vắc xin dại. Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trong 6 tháng đầu năm 2018, số người bị phơi nhiễm đến các điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh tiêm vắc xin phòng bệnh dại là 3.459 người; trong đó 520 người có vết thương nặng phải tiêm huyết thanh kháng dại.
 |
Tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho người dân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh
|
Không chỉ có nguy cơ mắc bệnh dại, vật nuôi trong nhà còn gây ra các bệnh như: dị ứng, hen suyễn, nhiễm nấm, nhiễm ký sinh trùng... Như trường hợp chị Nguyễn Thị T, thường xuyên bị ngứa như có kiến bò trong da, khi gãi thì trên da xuất hiện những mảng dày như nổi mề đay. Nghĩ bị dị ứng, chị mua thuốc về uống nhưng bệnh vẫn không được cải thiện. Trong một lần khám sức khỏe tại Khoa Khám bệnh - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chị được các bác sĩ kết luận là bị nhiễm giun đũa chó Toxocara, hay còn gọi là bệnh sán chó. Chị T cho biết “Khi có kết quả xét nghiệm, tôi rất bất ngờ và không nghĩ mình lại bị nhiễm giun đũa chó. Sau khi uống một đợt thuốc do bác sĩ Trung tâm kê đơn, tôi thấy giảm hẳn các cơn ngứa và kiên trì điều trị nên đến nay đã hoàn toàn khỏi bệnh”. Được biết, gia đình chị T có nuôi một chú chó lai.
Bác sĩ Nguyễn Đặng Ái - Phó trưởng Phòng khám đa khoa - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: "Việc nuôi chó mèo có thể gây nguy cơ cao mắc các bệnh nấm da, nguy hiểm hơn là bệnh giun đũa chó, mèo (tên khoa học là Toxocara). Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ và những người nuôi chó hoặc mèo; những người hay ăn rau sống, đồ tái sống và không có thói quen rửa tay trước khi ăn. Đây là loại giun tròn ký sinh trong ruột non của chó và mèo; giun cái trưởng thành đẻ trứng, trứng theo phân của chó hoặc mèo ra ngoại cảnh và phát triển thành ấu trùng, sau đó lây nhiễm cho con người chủ yếu qua đường tiêu hóa, ăn uống không vệ sinh, số ít có thể qua da khi tiếp xúc với chó mèo thường xuyên. Trong tất cả các trường hợp nhiễm Toxocara, trứng đều nở trong ruột và ấu trùng chui qua thành ruột non theo đường máu và di chuyển đến các cơ quan nội tạng khác như gan, phổi, tim, mắt, não các mô khác, có thể gây ra các biến chứng như tạo những u hạt và áp xe trong mắt, não. Khi bị nhiễm Toxocara, hầu hết các bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng, người bệnh thường bị ngứa da, đau bụng hoặc khó chịu, có thể ho và khó thở. Nếu nghi ngờ nhiễm Toxocara, người bệnh có thể đến Trung tâm làm xét nghiệm và cấp thuốc diều trị nếu bị bệnh”.
Để phòng tránh nhiễm bệnh từ vật nuôi trong nhà, người nuôi cần thường xuyên tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ cho vật nuôi. Không ngủ chung, mang vật nuôi lên giường chơi. Cần có chỗ ngủ riêng tách biệt cho những vật nuôi trong nhà. Hạn chế âu yếm, hôn chó mèo để tránh lây ký sinh trùng, mầm bệnh. Rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với vật nuôi. Đặc biệt vật nuôi phải được tiêm phòng bệnh dại định kỳ và bổ sung. Người nuôi thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, tránh tình trạng chó cắn người. Khi dắt chó đi dạo nơi công cộng phải có dây xích, rọ mõm, không để chó đi lang thang ngoài đường làm mất vệ sinh nơi công cộng…Nếu bị chó, mèo, động vật dại, nghi dại cắn, cào, liếm… trước tiên cần rửa sạch vết thương với xà phòng ngay sau cắn và dội nước sạch nhiều lần, lưu ý tránh làm tổn thương thêm vết thương, sau đó đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng và tuân thủ đúng lịch tiêm. Đồng thời, nhốt riêng chó, mèo, cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi cắn người và thông báo cho thú y xã để theo dõi vật nuôi./.
Bài, ảnh: Hiền Nguyễn