Thời tiết mùa hè nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn gây tiêu chảy phát triển và xâm nhập qua các loại thực phẩm. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc tiêu chảy, trẻ em, người cao tuổi, những người mắc các bệnh mạn tính ở đường tiêu hóa, người có hệ miễn dịch kém,... dễ mắc tiêu chảy hơn người bình thường. Bệnh gây nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời, đặc biệt là tiêu chảy cấp.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam có khoảng 2 triệu lượt người bị tiêu chảy do ngộ độc thức ăn. Tiêu chảy là một trong những bệnh thường gặp nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Nguyên nhân chính gây tử vong khi trẻ bị tiêu chảy là mất nước, điện giải và suy dinh dưỡng. Tiêu chảy và suy dinh dưỡng tạo thành vòng xoắn bệnh lý gây ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ. Ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ mắc bệnh tiêu chảy khá cao, trung bình mỗi năm một trẻ có thể mắc 2,2 đợt tiêu chảy.
Các yếu tố thuận lợi gây tiêu chảy vào mùa hè
Thời tiết nắng nóng, các loài trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến... sinh sôi làm lây lan mầm bệnh, đặc biệt là ở những khu vực dân cư đông người, sử dụng chung nguồn nước ăn uống, sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh.
Bên cạnh đó, nóng ẩm cũng là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển, đặc biệt như phẩy khuẩn tả (Vibrio cholerae), lỵ (Shigella), thương hàn (Salmonella) , E.coli, vi rút Rota, vi khuẩn ngộ độc thịt (clostridium botulinum),...
Nắng nóng, người dân thường có thói quen sử dụng kem, nước đá để giải khát. Khi sử dụng phải các loại giải khát không rõ nguồn gốc, nước đá không vô khuẩn rất dễ nhiễm độc và gây tiêu chảy.
Mùa nắng nóng thực phẩm rất dễ hư hỏng, ôi thiu (kể cả thực phẩm tươi sống lẫn thực phẩm chín). Khi không được bảo quản đúng cách, các loại thực phẩm này bị phân hủy và sản sinh ra các chất gây hại tới sức khỏe dễ dẫn tới ngộ độc và gây tiêu chảy cấp.
Thói quen ăn, uống các loại thực phẩm chưa nấu chín (tiết canh, nem chua, nem chạo hoặc ăn rau sống, giá sống hoặc uống nước chưa đun sôi),...

Biểu hiện của bệnh tiêu chảy:
Khi bị tiêu chảy, người bệnh đại tiện nhiều lần trong ngày, phân toàn nước, có thể kéo dài 5-7 ngày hoặc hơn. Ngoài ra, có thể có sốt cao (trên 38ºC), khát nước nhiều, phân có thể nhầy hoặc lẫn máu, đầy bụng, ăn kém hoặc bỏ ăn, thường buồn nôn, nôn và kèm theo đó là triệu chứng đổ mồ hôi lạnh, lừ đừ, mệt mỏi. Nôn và tiêu chảy nhiều lần dễ dẫn tới mất nước và chất điện giải. Trẻ em bị tiêu chảy thường hay quấy khóc, vật vã, đôi khi co giật hoặc mệt lả nằm li bì do mất nước và điện giải. Sau đợt tiêu chảy nhiều ngày trẻ thường biếng ăn và chỉ thích uống nước. Mất nước do tiêu chảy là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tử vong ở trẻ em.
Để phòng bệnh tiêu chảy, ngành Y tế khuyến cáo mọi người dân cần:
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã.
Sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt, đặc biệt trong chế biến thực phẩm.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng.
Chủ động đưa trẻ đi uống vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do phẩy khuẩn tả và vi rút Rota đầy đủ, đúng lịch.
Khi có dấu hiệu tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời./.
Đỗ Hằng