Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng huyết áp:
Ở người thừa cân, béo phì thì nguy cơ bị tăng huyết áp cao gấp từ 2 đến 6 lần so với những người gầy; tuổi tác, tuổi càng cao càng có nhiều thay đổi về mặt giải phẫu của mạch máu, sẽ dẫn đến tăng huyết áp; hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất làm tăng huyết áp, hút thuốc lá làm hẹp mạch máu, giảm lượng oxy có sẵn trong cơ thể, khiến tim phải bơm máu mạnh hơn, gây tăng huyết áp; chế độ ăn và lối sống cũng ảnh hưởng đến huyết áp, ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo bão hòa, ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng hấp thu nước vào máu, gây tăng huyết áp.
Ngoài ra, một số nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác gây tăng huyết áp như: di truyền; rối loạn chuyển hóa mỡ trong máu, suy thận; hội chứng rối loạn chuyển hóa: rối loạn chuyển hóa đường, rối loạn chuyển hóa lipid, rối loạn chuyển hóa axít uric…; hẹp động mạch thận; tăng huyết áp vô căn hoặc do sử dụng lâu dài một số thuốc gây giữ nước hoặc rối loạn điện giải như: kháng viêm không steroide, cortisone, thuốc nội tiết…
Triệu chứng của tăng huyết áp:
Đa số người bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng gì cho đến khi phát hiện. Triệu chứng thường gặp là choáng váng, đau đầu, mất ngủ, ù tai, chóng mặt, hoa mắt, đau tức ngực, hồi hộp, khó thở, buồn nôn, đỏ mặt... Một số triệu chứng khác của tăng huyết áp tùy vào nguyên nhân tăng huyết áp hoặc biến chứng tăng huyết áp. Đo huyết áp thường xuyên là cách tốt nhất để phát hiện tăng huyết áp, nên đo ngày 2 lần buổi sáng và buổi chiều, đo ở tư thế nằm và nghỉ 15 phút trước khi đo huyết áp.
Tăng huyết áp dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong đột ngột. Hai biến chứng hay gặp nhất là nhồi máu cơ tim cấp gây đột tử và tai biến mạch máu não gây đột quỵ. Tai biến mạch máu não có thể là vỡ động mạch não hay tắc mạch não do cục máu đông và mảng xơ vữa động mạch hình thành trong lòng động mạch.
Điều trị và dự phòng tăng huyết áp
Khi có dấu hiệu sớm nghi ngờ tăng huyết áp, cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Khi được kê thuốc, cần uống thuốc hạ huyết áp mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ. Vì tăng huyết áp là một chứng bệnh mạn tính nên người bệnh luôn phải sử dụng thuốc hạ huyết áp hằng ngày.
Khi huyết áp tăng bất ngờ: Việc đầu tiên là nằm nghỉ ngơi, thư giãn, tránh lo âu hay xúc động thái quá. Nếu có thuốc điều trị tăng huyết áp ở nhà nên sử dụng ngay và đo huyết áp lại sau 30 phút. Tránh sử dụng các loại thuốc hạ huyết áp quá nhanh vì huyết áp tụt quá nhanh có thể gây tai biến về tim mạch.
Để điều trị và dự phòng tăng huyết áp hiệu quả, cần phối hợp nhiều yếu tố bao gồm cả dùng thuốc và kết hợp thay đổi lối sống sinh hoạt và chế độ ăn:
- Nên ăn nhạt, không nên ăn quá 1 muỗng cà phê muối trong khẩu phần ăn hàng ngày (lượng muối này bao gồm cả lượng muối đã được thêm vào thức ăn và nước chấm).
- Với người béo phì, nên áp dụng chế độ ăn giảm cân: ăn ít đường, hạn chế mỡ, nội tạng động vật, ăn nhiều cá và chất xơ có trong rau quả, trái cây.
- Không nên ăn quá ngọt ngay cả khi không bị tiểu đường vì đồ ngọt cũng làm người bệnh tăng huyết áp.
- Tăng hoạt động thể lực bằng cách tập thể dục đều đặn, ít nhất 45 phút mỗi ngày, và 3 lần trong một tuần.
- Nên ăn đồ ăn là các chất đạm có nguồn gốc từ cá và thực vật, hạn chế ăn các loại thịt gà, bò, heo…
- Hạn chế ăn mỡ động vật và dầu dừa, tốt nhất nên thay bằng dầu thực vật như dầu ô- liu, dầu mè, dầu đậu nành, dầu hướng dương.
- Không uống đồ uống có cồn, không hút thuốc lá.
- Nên ăn nhiều rau và trái cây để cung cấp nhiều khoáng chất và chất xơ.
- Duy trì một nếp sinh hoạt điều độ, ổn định, tránh trạng thái căng thẳng, quá xúc động và lo âu.
- Khám sức khỏe định kỳ 06 tháng/ lần, đặc biệt là ở những người có yếu tố nguy cơ cao gây tăng huyết áp, đồng thời thường xuyên kiểm tra huyết áp tại nhà.
Bài: Hoàng Nga