.
  •  
Danh mục
Loading...

 

Liên kết

Số lượng truy cập

  • Đang trực tuyến:  
  • Tổng lượt truy cập:
  1. Trang chủ    

Người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội

Ngày xuất bản : 27/07/2023

Vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp nhận cuộc gọi từ bà N.T.L có con trai là cháu L.V.T bị khuyết tật hỏng 1 bên mắt từ khi 1 tuổi. Tuy nhiên, đến nay cháu đã 13 tuổi vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào của địa phương. Bà M mong được các bác sĩ tư vấn điều kiện được hưởng và hướng dẫn các thủ tục cần thiết để được nhận trợ cấp cho trường hợp của con trai của mình.

Theo tìm hiểu của phóng viên chúng tôi, tại khoản 6 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật là đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; để được hưởng trợ cấp xã hội, người khuyết tật cần phải được Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện đánh giá mức độ khuyết tật và cấp Giấy xác nhận khuyết tật.

Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Lê Thị Thanh Hường – Giám đốc Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh Phú Thọ.

Bác sĩ Lê Thị Thanh Hường – Giám đốc Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh Phú Thọ

PV: Chào bác sĩ, như trường hợp của cháu T ở trên thì có phải là người khuyết tật không ạ?

Bác sĩ Hường:

Căn cứ tại khoản 1 Điều 2 Luật Người khuyết tật 2010, quy định người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, tại Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ-CP, quy định các dạng tật, bao gồm:

"Điều 2. Dạng tật

1. Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.

2. Khuyết tật nghe, nói là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.

3. Khuyết tật nhìn là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường.

4. Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.

5. Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.

6. Khuyết tật khác là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc các trường hợp được quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này."

Như vậy, trong trường hợp của cháu T mù 1 mắt, làm mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường nên được xếp vào khuyết tật nhìn.

PV: Vậy hiện nay, mức độ khuyết tật được quy định như thế nào? Và những người khuyết tật ở mức độ nào thì được nhận trợ cấp xã hội thưa bác sĩ?

Bác sĩ Hường:

Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 28/2012/NĐ-CP, quy định về mức độ khuyết tật cụ thể như sau:

"Điều 3. Mức độ khuyết tật

1. Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

2. Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.

3. Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này."

Như vậy, pháp luật quy định có 3 mức độ khuyết tật, là người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng và người khuyết tật nhẹ.

Tuy nhiên, trường hợp người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng chỉ bao gồm người khuyết tật nặng và khuyết tật đặc biệt nặng. Như trường hợp cháu T đã trên 6 tuổi và bị hỏng 1 mắt thì mức độ khuyết tật được đánh giá dựa trên các tiêu chí phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân nếu cần trợ giúp hoàn toàn thì xếp khuyết tật mức độ đặc biệt nặng, cần trợ giúp 1 phần là khuyết tật nặng, còn nếu vẫn tự lực trong sinh hoạt hoàn toàn thì là khuyết tật nhẹ. Tuy nhiên để biết chính xác mức độ khuyết tật của cháu T thì cần đưa cháu đi giám định mức độ khuyết tật.

PV: Thưa bác sĩ, vậy việc giám định cho người khuyết tật được thực hiện ở đâu? Thủ tục xác định mức độ khuyết tật để được hưởng trợ cấp theo quy định pháp luật bao gồm những gì?

Bác sĩ Hường:

Việc xác định mức độ khuyết tật được quy định tại Điều 4 Nghị định 28/2012 và hướng dẫn tại Thông tư 01 năm 2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện. Hội đồng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quyết định thành lập bao gồm các thành viên: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng; Trạm trưởng trạm y tế cấp xã; Công chức cấp xã phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội; Người đứng đầu hoặc cấp phó của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh cấp xã; Người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật cấp xã nơi có tổ chức của người khuyết tật.

Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện xác định dạng khuyết tật và mức độ khuyết tật theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Luật Người khuyết tật. Hội đồng quan sát trực tiếp người khuyết tật, thông qua các hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo tiêu chí về y tế, xã hội quy định tại Phiếu xác định mức độ khuyết tật và các phương pháp đơn giản khác để xác định dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật đối với từng người khuyết tật.

Với những trường hợp, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật; Người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật; Có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác thì sẽ do Hội đồng Giám định Y khoa cấp tỉnh thực hiện (Trung tâm Giám định Y khoa là cơ quan thường trực giúp việc cho Hội đồng Giám định Y khoa).

Thủ tục xác định mức độ khuyết tật để được hưởng trợ cấp theo quy định pháp luật bao gồm:

Người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật nộp đơn xin xác nhận mức độ khuyết tật đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người khuyết tật cư trú.

Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận đơn yêu cầu hợp lệ, Chủ tịch UBND cấp xã sẽ yêu cầu Hội đồng xác định mức độ khuyết tật và thông báo về thời gian xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật.

Hội đồng xác định mức độ khuyết tật tiến hành xác định và đưa ra kết luận.

Trong 05 ngày làm việc từ ngày có kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch UBND xã sẽ niêm yết và thông báo công khai kết quả kết luận của Hội đồng xác định và cấp giấy xác nhận khuyết tật.

PV: Xin trân trọng cám ơn Bác sĩ Lê Thị Thanh Hường./.

Hình ảnh khám, giám định khuyết tật tại Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh Phú Thọ

Đỗ Hằng thực hiện

Tin liên quan

Các tin khác:
Loading...
Loading...

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ TỈNH PHÚ THỌ

  • Địa chỉ: Gia Cẩm - Việt Trì - Phú Thọ
  • Tel: (0210) 386 8888
  • Email: soyte@phutho.gov.vn - Website: Https://soyte.phutho.gov.vn
  • Giấy phép số: 10/GP - TTĐT ngày 10/9/2015 của Giám đốc sở TT&TT tỉnh Phú Thọ
Chung nhan Tin Nhiem Mang