Thời tiết giao mùa, trong 1 tuần qua, trung bình mỗi ngày, Trung tâm Y tế huyện Yên Lập tiếp nhận và thăm khám 40 trẻ, trong đó, có 10-15 trẻ phải điều trị nội trú do viêm đường hô hấp do virus hợp bào (virus RSV – Respiratory Syncytial Virus). Hiện Khoa Nội Nhi, Trung tâm Y tế huyện Yên Lập đang điều trị cho 70 trẻ, thì có 70% trẻ viêm đường hô hấp do virus RSV.
Theo BSCKI. Đinh Thị Thu Hiền, Phó Trưởng khoa Nội Nhi, Trung tâm Y tế huyện Yên Lập, mọi năm vào khoảng tháng 2 đến tháng 4 ở nước ta, trẻ nhỏ, người lớn tuổi và người có miễn dịch yếu nhập viện điều trị nhiễm virus hợp bào hô hấp, tạo thành dịch trên diện rộng. Nhưng năm nay, ngay từ giữa tháng 9, các bệnh viện phía Bắc đã tiếp nhận hàng trăm ca nhiễm virus hợp bào hô hấp. Tại khoa Nội – Nhi, Trung tâm Y tế huyện Yên Lập, cứ 10 trẻ đến khám bệnh về hô hấp thì có tới 7 trẻ mắc bệnh này. Nguyên nhân được các chuyên gia lý giải, đó là thời tiết chuyển lạnh sớm do giao mùa và mưa liên miên, tạo điều kiện cho virus sinh sôi nảy nở mạnh. Hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa virus RSV và thuốc điều trị đặc hiệu nên việc phát hiện bệnh sớm để có kế hoạch điều trị và chăm sóc kịp thời là rất quan trọng. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, tình trạng viêm đường hô hấp do vi rút RSV sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ.

Các bác sĩ Khoa Nội Nhi, Trung tâm Y tế huyện Yên Lập tận tình thăm khám, điều trị cho trẻ
Trước tình trạng trẻ nhập viện tăng nhanh do nhiễm virus RSV, Khoa Nội – Nhi TTYT huyện Yên Lập đã bổ sung kịp thời các phòng nội trú cao cấp và áp dụng các phương pháp phòng ngừa lây nhiễm chéo chặt chẽ cho các bệnh Nhi đến thăm khám và điều trị. Khu vực nội trú được phát triển toàn diện, đảm bảo phân luồng riêng giữa điều trị nội trú và khám bệnh ngoại trú, bảo đảm an toàn, phòng tránh lây nhiễm chéo.

Các bác sĩ Khoa Nội Nhi, Trung tâm Y tế huyện Yên Lập tận tình thăm khám, điều trị cho trẻ
Nếu trẻ có những biểu hiện như: Khó thở, thở khò khè và chảy nước mũi, ho nhiều, sốt cao, đau họng nhẹ, đau tai, quấy khóc, không nhanh nhẹn, người mệt mỏi, ngủ không ngon, bỏ bú hoặc bú kém, ăn kém; ngưng thở khoảng 15 – 20 giây (thường gặp ở trẻ sinh non và trẻ có tiền sử bệnh ngưng thở) cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng xảy ra./.

Hồng Hà