Trước nhập viện khoảng 1 tuần, bệnh nhi xuất hiện ho, khò khè, sốt cao lên đến 39℃, đã dùng thuốc hạ sốt nhưng không đỡ. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, ăn kém, thở khó khăn.

Ekip các bác sĩ khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương và sự hỗ trợ của các chuyên gia bệnh viện Nhi TW thực hiện dẫn lưu ổ áp xe cho bệnh nhi
Tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, bệnh nhi nhanh chóng được các bác sĩ Khoa Nhi thăm khám, thực hiện các xét nghiệm, cận lâm sàng cần thiết. Kết quả cho thấy, bệnh nhi có tình trạng nhiễm trùng máu nặng, hình ảnh CT- Scanner lồng ngực có tổn thương dạng áp xe, kích thước 56x65mm. Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương thực hiện hội chẩn cùng các Chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương quyết định thực hiện can thiệp chọc hút dẫn lưu ổ áp xe bằng áp lực âm.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi
Khối áp xe được chọc hút dẫn lưu thành công, hơn 100mml dịch mủ được lấy ra. Bệnh nhi tiếp tục được chăm sóc, điều trị đặc biệt theo phác đồ. Sau 1 tháng điều trị, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhi ổn định, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.

Gia đình bệnh nhi chụp ảnh lưu niệm cùng các bác sĩ
Bác sĩ Trần Thị Cườm – Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa Khoa Hùng Vương cho biết: “Áp xe phổi là bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến các biến chứng như giãn phế quản, viêm màng não, ho ra máu nặng, nhiễm khuẩn huyết, suy kiệt các cơ quan đe dọa đến tính mạng… Đặc biệt với các bé sơ sinh, dấu hiệu khi mới viêm phổi chỉ đơn giản như thở khò khè, chán ăn, sốt nhẹ…. bố mẹ thường rất dễ bỏ qua dẫn đến viêm phổi nặng và áp xe. Vì vậy, khi thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng như: sốt cao trên 39℃, mệt mỏi, li bì, ngủ liên tục, khó thở, thở nhanh, ho khan, ho có đờm trắng, môi và da xanh xao, nhợt nhạt, bỏ bú, nôn chớ hoặc tiêu chảy nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử lý kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm./.
Hữu Cần - Vĩnh An