.
  •  
Danh mục
Loading...

 

Liên kết

Số lượng truy cập

  • Đang trực tuyến:  
  • Tổng lượt truy cập:
  1. Trang chủ    

Một số lưu ý khi tiêm mũi vắc xin phòng bệnh lao cho trẻ sơ sinh

Ngày xuất bản : 26/03/2019

Lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, rất dễ lây lan, đặc biệt là trẻ nhỏ. Việt Nam là một trong số những nước có tỷ lệ mắc bệnh lao cao nhất thế giới, việc phòng ngừa bệnh lao không chỉ là mục tiêu của mỗi gia đình mà là nỗ lực của cả cộng động. Từ năm 1981 đến nay, việc tiêm mũi vắc xin phòng Lao BCG cho trẻ sơ sinh đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. 

        Bệnh Lao là gì ?

      Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80 – 85% tổng số ca bệnh) và là nguồn lây chính.

Tiêm vắc xin tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật

     Triệu chứng điển hình của bệnh lao phổi là ho kéo dài, ho ra máu, đau ngực, khó thở, sốt nhẹ về chiều, ra nhiều mồ hôi trộm vào ban đêm… Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh lao phổi có thể gây ra một số biến chứng nặng như tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, ho ra máu.

     Vắc xin BCG là gì?

     Vắc xin BCG là một loại vắc xin sống giảm độc lực được sản xuất từ chủng vi khuẩn của Calmett – Guérin (Bacill de Calmett – Guérin, viết tắt là BCG), có tác dụng phòng bệnh lao. Nhờ sự xuất hiện của vắc xin BCG, hàng triệu trẻ em Việt Nam đã được cứu sống khỏi bệnh lao, nâng cao chất lượng sống.

    Thời gian và điều kiện tiêm vắc xin BCG

    Để đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất các bà mẹ nên cho trẻ đi tiêm phòng Lao ngay trong tháng đầu tiên sau khi sinh (trước 28 ngày tuổi) tốt nhất vào tuần thứ 2 hoặc 3 sau sinh. Tuy nhiên, với những trẻ sinh non, những trẻ có vấn đề về sức khỏe cần theo dõi, chăm sóc đặc biệt thì đợi đến khi trẻ có thể trạng tốt, cần tiến hành tiêm phòng lao càng sớm càng tốt.

     Tại Việt Nam, vắc xin BCG có thể sử dụng để chỉ định tiêm vét ở trẻ dưới 1 tuổi và tiêm vắc xin BCG cho những người lớn chắc chắn chưa nhiễm lao (phản ứng Mantoux âm tính).

     Hoãn tiêm vắc xin BCG với những trường hợp trẻ đang bị nhiễm khuẩn cấp, đang sốt cao, có bệnh ngoài da trên diện rộng, bị suy giảm miễn dịch nặng, suy dinh dưỡng nặng, trẻ thiếu cân.

    Cách nhận biết trẻ đã có miễn dịch sau khi tiêm vắc xin BCG

Sau khi tiêm vắc xin BCG thường xuất hiện một nốt nhỏ tại chỗ tiêm và biến mất sau 30 phút. Sau khoảng 2 tuần sẽ xuất hiện một vết loét nhỏ có kích thước nhỏ, 2 tuần tiếp theo thì vết loét tự lành và để lại sẹo khoảng 5mm. Biểu hiện này chứng tỏ trẻ đã có miễn dịch.

Nếu sau 3 tháng kể từ ngày tiêm vắc xin BCG vẫn không thấy sẹo tại vùng tiêm, bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thử phản ứng Mantoux. Trường hợp kết quả thử là âm tính thì cần cho trẻ tiêm lại vắc xin phòng lao. Việc tiêm phòng lao lại sẽ không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của bé.

     Phản ứng phụ sau tiêm vắc xin phòng lao BCG

     Giống như các loại vắc xin khác, BCG có thể gây ra một số tác dụng phụ. Phần lớn trẻ em đều có phản ứng tại chỗ tiêm như đau, sưng, nóng. Một số trẻ có thể có sốt nhẹ, quấy khóc, bú kém và sẽ hết sau một vài ngày, sưng hạch ở hõm nách bên cánh tay được tiêm thuốc, có quầng đỏ ở vị trí tiêm, loét nhẹ và để lại sẹo (trong vòng 6 tuần sau tiêm) thì đó là những phản ứng bình thường, cho thấy trẻ đã đáp ứng miễn dịch.

     Trong trường hợp các phản ứng sau tiêm trầm trọng như sốt cao, bỏ bú… kéo dài 1-2 ngày; vết tiêm sưng to, hạch sưng to, hạch kéo dài hơn 6 tuần thì cần đưa trẻ đi khám. Đối với những trường hợp trẻ sốt cao, khóc nhiều không dứt, mệt lả, da tím tái, co giật, liệt, hôn mê…phải cấp cứu ngay.

     Để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, phụ huynh cần thông báo cho cán bộ tiêm chủng biết tình trạng sức khỏe của trẻ, tiêm xong cần cho trẻ ở lại cơ sở tiêm 30 phút để theo dõi phản ứng sau tiêm. Khi về nhà, trong vòng 48 giờ sau tiêm vẫn cần theo dõi những biểu hiện bất thường của trẻ để kịp thời xử lý những tình huống xấu nếu không may xảy ra./.

Đỗ Hằng (tổng hợp)

Tin liên quan

Các tin khác:
Loading...
Loading...

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ Y TẾ TỈNH PHÚ THỌ

  • Địa chỉ: Đường Trần Phú - Phường Việt Trì - Tỉnh Phú Thọ
  • Tel: (0210) 386 8888
  • Email: soyte@phutho.gov.vn - Website: Https://soyte.phutho.gov.vn
  • Giấy phép số: 10/GP-TTĐT ngày 10/9/2015 của Giám đốc Sở TT&TT  tỉnh Phú Thọ
Chung nhan Tin Nhiem Mang