Gia đình cho biết, trẻ diễn biến bệnh với các triệu chứng như sốt cao, ho khò khè, xuất tiết nhiều đờm dãi. Sau 4 ngày điều trị tại nhà nhưng tình trạng không thuyên giảm, đồng thời xuất hiện thêm triệu chứng khó thở, trẻ được gia đình đưa tới khám tại Trung tâm Y tế huyện và được chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi và dương tính với cúm A. Tại đây, trẻ được hỗ trợ thở máy áp lực dương liên tục (CPAP), đặt ống nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.
Tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), viêm phổi nặng trên bệnh nhân cúm A. Ngay lập tức trẻ được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt và thở máy theo chiến lược thông khí bảo vệ phổi kết hợp các biện pháp hỗ trợ như thông khí nằm sấp, chống viêm, giãn cơ. Theo BSNT. Nguyễn Võ Lộc – Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, các biện pháp thông khí hỗ trợ trong điều trị ARDS với mục đích tránh căng giãn phế nang quá mức và tránh xẹp phổi. Đặc biệt, thông khí nằm sấp là một phương pháp mới, chưa được áp dụng rộng rãi đối với các trường hợp ARDS nặng ở trẻ em. Ưu điểm của phương pháp này là giúp cải thiện trao đổi khí, huy động các phế nang bị xẹp vùng lưng, cải thiện dẫn lưu tư thế, đồng thời giúp tái phân bố tưới máu, hạn chế các vùng phổi bị phù nề.

Bệnh nhi Đ.B.A, 7 tháng tuổi được thở máy theo chiến lược thông khí bảo vệ phổi kết hợp các biện pháp hỗ trợ như thông khí nằm sấp, chống viêm, giãn cơ
Với phác đồ điều trị tích cực, kết hợp điều trị kháng sinh và vật lý trị liệu hô hấp, tình trạng suy hô hấp của trẻ được cải thiện rõ rệt. Sau 18 ngày điều trị, sức khoẻ trẻ ổn định và đủ điều kiện xuất viện.
Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) là một trong những biến chứng nặng của cúm A, tính chất diễn biến phức tạp, tỷ lệ tử vong cao lên tới 40 - 70%. Đây là hội chứng bệnh lý tổn thương cấp tính các phế nang mao mạch phổi, đặc trưng bởi tình trạng suy hô hấp diễn biến nhanh. Trong nhiều trường hợp, ARDS làm cho lượng oxy trong máu sụt giảm nghiêm trọng, gây suy đa cơ quan dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Thời gian gần đây, theo ghi nhận tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, số lượng trẻ nhập viện do cúm A có xu hướng tăng lên, trong đó có nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng rất nặng, biến chứng viêm phổi, viêm cơ tim, phù não, tổn thương gan nặng,…Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ mắc cúm, bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa, uy tín để được khám và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần chú ý giữ ấm cho trẻ, giữ vệ sinh cá nhân bằng cách sát khuẩn, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với người nghi mắc cúm và chủ động đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đúng lịch!./.
Khánh Ngọc – Hà Nguyệt