Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là căn bệnh nguy hiểm có nguy cơ gây tử vong thứ 3 sau tim mạch, đột quỵ. Hút thuốc là nguyên nhân hàng đầu gây ra căn bệnh này. Tại Trung tâm Y tế huyện Hạ Hòa hiện đang điều trị nhiều trường hợp mắc phổi tắc nghẽn mạn tính, trong đó hầu hết đều có tiền sử hút thuốc lá.
Nhiều năm nay, người bệnh P.Đ.T, 75 tuổi, xã Lang Sơn, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ thường xuyên phải nhập viện điều trị do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ông cho biết, trong suốt nhiều năm qua, thời gian ông ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Nguyên nhân của bệnh này cũng là do ông đã thường xuyên hút thuốc lá trong hơn 30 năm qua. "Mới đầu hút thuốc lá tôi thấy rất bình thường, sau dần tôi thấy sức khỏe ngày càng giảm sút. Tôi tức ngực, mệt mỏi, khó thở liên tục. Giờ về già, hầu như tháng nào cũng phải nhập viện điều trị khiến người thân phải thường xuyên chăm sóc và tốn rất nhiều chi phí”, ông T. chia sẻ.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là các triệu chứng hô hấp và tắc nghẽn đường thở như ho kéo dài, ho có đờm, thở khò khè. Một số triệu chứng nặng có thể cần phải điều trị tại bệnh viện, như: Khó thở tăng lên, ho nhiều có đờm đục, rơi vào trạng thái lơ mơ, nhịp tim nhanh.

Các bác sĩ thăm khám cho người bệnh
Theo Bác sĩ Tô Thị Thanh Huyền – Khoa Cấp cứu - hồi sức tích cực – chống độc, Trung tâm Y tế huyện Hạ Hòa, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính làm suy giảm chức năng hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, nếu bệnh nặng hơn người bệnh sẽ bị suy hô hấp và có thể nguy hiểm tới tính mạng. Do đó, yêu cầu quan trọng nhất đối với người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là phải bỏ thuốc lá. Bỏ hút thuốc là góp phần vào việc làm giảm nguy cơ, làm chậm các tổn thương ở phổi. Bên cạnh đó, biện pháp sử dụng thuốc, phục hồi chức năng hô hấp… là bắt buộc để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, kéo dài cuộc sống cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh./.
Hiền Nguyễn