Ngày 24/5/2025, Bộ Y tế phối hợp Ủy ban Văn hóa và Xã hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Hội nghị tham vấn chính sách và lấy ý kiến góp ý cho Hồ sơ xây dựng chính sách Luật Phòng bệnh, Luật Dân Số. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các viện chuyên ngành trực thuộc Bộ Y tế. Đồng chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai, lãnh đạo Hội đồng dân tộc của Quốc hội.
Tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ, dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Giang Long – Phó Giám đốc Sở Y tế, đồng chí Hoàng Xuân Đoài – Phó Giám đốc Sở Y tế, đại diện lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế; lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Chi cục Dân số và các khoa, phòng liên quan.
Trong thời gian qua, công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm và công tác dân số của Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tuy nhiên, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm hiện hành thiếu những quy định cần thiết về dinh dưỡng, sức khỏe tâm thần, quản lý bệnh không lây nhiễm - những yếu tố đang gây ra gánh nặng bệnh tật ngày càng lớn, cản trở công tác phòng, chống bệnh tật hiệu quả. Luật Phòng bệnh được xây dựng nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập, trên cơ sở kế thừa chọn lọc những quy định hiện hành về phòng, chống bệnh truyền nhiễm đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta và bổ sung các quy định nhằm khắc phục các khoảng trống pháp luật để tạo hàng lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động dự phòng và nâng cao sức khỏe. Đồng thời cũng khuyến khích và huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội từ hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước đến mọi người dân và các tổ chức xã hội dân sự vào công tác dự phòng và nâng cao sức khỏe.
Đối với công tác dân số hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như xuất hiện một số vấn đề dân số thực tiễn nảy sinh, tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của đất nước vì vậy việc xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số hiện này là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới; có các biện pháp giải quyết xu hướng già hoá dân số trong thời gian tới, tận dụng lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước; hướng đến năm 2045 Việt Nam là nước có dân số chất lượng tốt, lực lượng lao động đông đảo, thu nhập cao... nâng cao vai trò, vị trí của Việt Nam trên thế giới. Đồng thời, Luật Dân số cũng khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành; đáp ứng đủ các điều kiện về nguồn lực để thực hiện toàn diện công tác dân số trong tình hình mới.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Cục Phòng bệnh và Cục Dân số đã báo cáo tóm tắt tiến độ xây dựng và trình bày nội dung Hồ sơ xây dựng chính sách Luật Phòng bệnh, Luật Dân số. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý làm rõ hơn những kết quả đã đạt được trong công tác phòng bệnh và dân số; đồng thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị đề xuất về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, ban hành Luật Phòng bệnh và Luật Dân số, đảm bảo phù hợp, thể chế hóa chủ trương của Đảng. Sau quá trình thảo luận, các đại biểu đã thống nhất Hồ sơ xây dựng chính sách Luật Phòng bệnh và Luật Dân số.


Hiền Nguyễn – Đức Khổng