Trong 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 62.955 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 29 trường hợp tử vong, 47.821 trường hợp nhập viện điều trị. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 97% lần, số tử vong tăng 24 trường hợp. Tỷ lệ tử vong/mắc hiện là 0,046% so với chỉ tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia là 0,09%.
Tại khu vực Miền Bắc, theo thông báo của Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tính đến tuần 26 năm 2022, ghi nhận số mắc/nghi mắc là 602 trường hợp, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2021 (389 trường hợp), chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Tại tỉnh Phú Thọ, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 5 trường hợp mắc tại huyện Tân Sơn, Cẩm Khê, Lâm Thao, Đoan Hùng, Phù Ninh; số mắc tương đương so với cùng kỳ năm 2021. Không ghi nhận trường hợp tử vong. Đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ổ dịch nào. Nhằm ngăn ngừa, khống chế không để lây lan, các địa phương trong tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp tích cực.
Để chủ động phòng chống sốt xuất, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh để chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh và đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo; chủ động giám sát phát hiện ca bệnh nghi ngờ đầu tiên tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết và phối hợp thực hiện. Toàn tỉnh đã tổ chức phát thanh 2.263 lượt thông điệp phòng chống sốt xuất huyết trên đài phát thanh, truyền thanh tại các địa phương; treo 40 băng zôn; phát 2.195 tờ rơi; 1.081 lượt truyền thông trực tiếp. Đồng thời, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng tác viên đã tổ chức được 2.943 lượt diệt lăng quăng/bọ gậy; xử lý 1.482 dụng cụ chứa nước có lăng quăng/bọ gậy được xử lý. Bên cạnh đó, ngành cũng tổ chức phun hóa chất diệt muỗi cho 5.803 nhà dân. Các đội cơ động phòng chống dịch được củng cố; đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng khi có dịch xảy ra. Đồng thời tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.

Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tích cực phun hóa chất diệt côn trùng phòng chống sốt xuât huyết
Sốt xuất huyết (SXH) Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm toàn thế giới có 3,9 tỉ người ở 128 quốc gia có nguy cơ bị nhiễm vi rút SXH, 390 triệu người nhiễm, 96 triệu người bệnh nặng. Khu vực Châu Á Thái Bình Dương gánh 75% gánh nặng toàn cầu do bệnh sốt xuất huyết gây ra.
Sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người mà lây qua vector (vật trung gian). Do vậy, khi người dân chủ động tiêu diệt và giảm mật độ vector xuống thì khả năng lây lan sẽ ít hơn. Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; Phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.
Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn, nôn…, người dân cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời. Đối với người bệnh sốt xuất huyết được hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà cần chú ý theo dõi những dấu hiệu trở nặng như: Đau bụng nhiều và liên tục; nôn ói nhiều, nôn ra máu; chảy máu chân răng; chân tay lạnh, bồn chồn, vật vã, lừ đừ, li bì… cũng cần đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc, điều trị.
Đối với sốt xuất huyết thì công tác phòng bệnh là vô cùng quan trọng, chính vì vậy trong thời gian cao điểm của bệnh nguy hiểm này, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh theo khuyến cáo của ngành Y tế, qua đó góp phần không để dịch lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng./.
Hiền Nguyễn