Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định lứa tuổi 10 - 19 tuổi là độ tuổi vị thành niên, thanh niên trẻ là lứa tuổi 19 - 24 tuổi. VTN/TN là nhóm dân số đặc thù bởi họ đang trong thời kỳ quá độ từ trẻ em lên người trưởng thành. Trong giai đoạn này, VTN/TN có nhiều những thay đổi về tâm sinh lý và hành vi nên rất nhạy cảm, nếu thiếu kiến thức, kỹ năng về SKSS sẽ dẫn tới những hệ lụy rất lớn như: Suy nghĩ, hành vi lệch lạc làm ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, học hành, tương lai, sự nghiệp và còn ảnh hưởng đến cả chất lượng dân số. Nguy cơ dễ bị bạo lực và cưỡng bức tình dục gây căng thẳng, tổn thương, khủng hoảng tâm lý. Có hành vi quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa, thậm chí cả HIV/AISD. Mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai, phá thai không an toàn (do e ngại, xấu hổ nên thường đến các cơ sở y tế tư nhân để tránh bị mọi người nhìn thấy) dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, viêm nhiễm phụ khoa, sẩy thai… Kết hôn sớm, sinh con khi cơ thể chưa phát triển đầy đủ, có thể đẻ non, thai chết lưu. Thiếu kiến thức nuôi con nên đứa trẻ thường còi cọc, yếu ớt, hay ốm đau, chậm phát triển. Tăng nguy cơ tử vong mẹ và tử vong sơ sinh và đặc biệt tăng nguy cơ vô sinh sau khi các em đã trưởng thành và có gia đình.
Nhận thức được tầm quan trọng trong chăm sóc SKSS VTN/TN, trong thời gian qua Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng và đổi mới, phù hợp với đặc thù địa phương; từng nhóm đối tượng; đẩy mạnh hình thức truyền thông trực tiếp nhằm giúp đối tượng chuyển đổi hành vi bền vững. Tỉnh Phú Thọ đã triển khai khá hiệu quả một số mô hình, đề án can thiệp đối với VTN/TN như mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái. Đặc biệt, tỉnh Phú Thọ đã triển khai hiệu quả Đề án tăng cương tư vấn và cung cấp dịch vụ DS/KHHGĐ cho VTN/TN giai đoạn 2017-2020. Kế hoạch đã được triển khai với các hoạt động đồng bộ như: Triển khai mô hình tư vấn và khám sức khỏe THN, mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái, mô hình tư vấn và cung cấp dịch vụ KHHGĐ cho công nhân KCN; Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ đến các vùng đông dân, vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao; phối hợp với ngành giáo dục đưa giáo dục DS/KHHGĐ vào trường học; tập huấn trang bị kiến thức chuyên biệt cho đội ngũ truyền thông viên; tổ chức hội nghị, hội thảo về CSSKSS VTN/TN; tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, đặc biệt chú trọng truyền thông cho VTN/TN yếu thế như truyền thông cho Hội người mù, Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật…; thành lập góc thân thiện tại các trường học, phòng khám thân thiện tại cơ sở y tế, thành lập CLB các bà mẹ có con trong độ tuổi VTN/TN; duy trì hoạt động của tổng đài tư vấn 1900 545586 đặt tại CCDS tỉnh để tư vấn và giải đáp các thắc mắc về DS/SKSS/KHHGĐ cho VTN

Trung tâm Dân số- KHHGĐ huyện Tân Sơn tổ chức Truyền thông tư vấn chăm sóc SKSS vị thành niên tại trường THCS Long Cốc
Nhận thấy những tiện ích, lợi thế của công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại trên các nền tảng mạng xã hội, ngành dân số tỉnh đã phát triển, đẩy mạnh hoạt động trang fanpage của Chi cục trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok..., triển khai tới các huyện, thành, thị, người dân, cán bộ dân số cấp huyện, xã và cộng tác viên dân số. Hiện có 100% Trung tâm Dân số-KHHGĐ các huyện, thành thị và xã, phường, thị trấn đã tham gia, thiết lập tài khoản (truyền thông dân số... hoặc dân số....) trên các trang mạng xã hội facebook, zalo, tiktok... đồng thời chuyển tải thông tin, thông điệp về dân số, tích cực tương tác. Trong năm 2021, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã phát động tham gia cuộc thi "Thử thách làm tuyên truyền viên dân số" trên nền tảng mạng xã hội Tik Tok do Tổng cục Dân số tổ chức nhằm thay đổi hành vi độ tuổi VTN/TN. Phú Thọ là một trong những tỉnh có số lượng bài dự thi nhiều nhất và đạt giải Nhì toàn quốc. Đồng thời, tổ chức phát động, tổng kết cuộc thi "sáng tạo thông điệp truyền thông dân số" tỉnh Phú Thọ trên nền tảng mạng xã hội facebook. Các hoạt động truyền thông dân số trên các nền tảng mạng xã hội tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút lớn trong cộng đồng. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc phát huy hiệu quả của các mô hình tuyên truyền qua các kênh thông tin mạng xã hội đã đem đến những hiệu quả bất ngờ trong công tác dân số trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác CSSKSS cho VTN/TN đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ, VTN/TN có nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi tiếp cận với thông tin, kiến thức chính thống về CSSKSS/KHHGĐ, đồng thời được cung cấp dịch vụ DS/KHHGĐ chuyên biệt, thân thiện, thuận tiện và an toàn. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu được cung cấp các thông tin, được trang bị kiến thức và kỹ năng của VTN/TN là rất lớn. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chăm sóc SKSS cho VTN/TN rất cần có sự chung tay của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là vai trò của phụ huynh và nhà trường trong việc giáo dục về giới tính cho các em tuổi VTN/TN. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến nhóm VTN yếu thế; tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục về DS-KHHGĐ trong các nhà trường, các khu công nghiệp; Tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại như internet, truyền thông đa phương tiện, điện thoại di động…; thí điểm các mô hình truyền thông thân thiện, phù hợp với VTN/TN./.
Hiền Nguyễn