Tại vùng bão lũ, các công trình vệ sinh, cống rãnh bị ngập trong nước nên các chất thải của người và gia súc, xác động thực vật hòa vào nước gây ô nhiễm nặng cho môi trường nước, đất và đồ vật chìm trong nước khiến mầm bệnh rất dễ lan nhiễm vào thức ăn, nước uống gây bệnh cho mọi người dân. Hơn nữa, sau bão lũ, việc cung cấp lương thực và thực phẩm bị hạn chế, nhiều địa phương còn bị cô lập bởi nước lũ, chưa có điều kiện thực hiện ăn chín, uống sôi. Vì vậy, những bệnh liên quan đến an toàn thực phẩm như bệnh tiêu chảy, tả, lỵ thường rất hay xảy ra.
Sau bão lũ có nhiều yếu tố môi trường, thời tiết thuận lợi làm cho thực phẩm dễ bị ô nhiễm vi sinh vật, trong đó có các vi sinh vật gây hư hỏng, biến chất thực phẩm và vi sinh vật gây bệnh. Bão lũ làm độ ẩm ướt của môi trường rất cao, nhiệt độ thường từ 200C đến 300C là vùng nhiệt độ rất thích hợp cho vi sinh vật phát triển. Độ pH của thực phẩm thông thường ở mức 6 - 8, đây cũng là giới hạn thích hợp cho các loại vi sinh vật như: Vibrio cholerae bệnh tả, Salmonella gây thương hàn, Shigella gây lỵ trực trùng, Bacillus anthracis gây bệnh than, bệnh tiêu chảy do virus (Rotavirus, Enterovirus...), viêm gan A, E… phát triển và dễ xâm nhập vào cơ thể gây bệnh.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng trong mùa bão lũ, các chuyên gia khuyến cáo mỗi người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
Người dân tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; không ăn lương thực thực phẩm sống đã bị ngập lụt; chú ý cần để riêng thực phẩm tươi sống với những thực phẩm chín. Có kế hoạch chủ động dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, các hoá chất sát khuẩn của ngành y tế.
Các gia đình cũng cần chú ý đến thực phẩm dự trữ cho trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và những người già yếu; không chế biến thực phẩm trực tiếp trong môi trường nước bị ngập lụt; bảo vệ khu vực bếp và thực phẩm tránh khỏi các loại côn trùng, sâu bọ và các động vật khác. Ngoài ra, những người bị tiêu chảy hoặc có các biểu hiện khác phải tránh xa khu vực chế biến thực phẩm…
Chọn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và đảm bảo an toàn:

Lựa chọn các loại rau, củ, quả tươi, không bị dập nát, không có màu sắc và mùi vị lạ
+ Chọn các loại rau, củ, quả tươi, không bị dập nát, không có màu sắc và mùi vị lạ. Đối với các sản phẩm tươi sống như thịt, cá, hải sản cần chọn loại còn tươi. Với sản phẩm trứng chọn quả có vỏ màu sáng, không có vệt đen, không bị dập, quả trứng có màu hồng trong suốt khi soi qua ánh sáng.
+ Các thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn phải có nhãn mác đầy đủ, lưu ý hạn sử dụng, không sử dụng các thực phẩm khô đã bị mốc.
Dùng nước sạch, an toàn để chế biến thức ăn, đồ uống và rửa dụng cụ chế biến thức ăn: Dùng nước máy, nước giếng, nước mưa, sông suối… đã qua xử lý hoặc lắng lọc. Nước phải trong, không màu, không mùi, không vị lạ. Nếu nguồn nước có nghi ngờ nên đề nghị cơ quan y tế kiểm tra.
Thực hiện vệ sinh ăn uống: "Ăn chín, uống sôi”, tất cả đồ ăn, thức uống cần đun sôi trước khi ăn uống; rửa tay sạch trước khi ăn uống và sau khi vệ sinh.
Bảo quản tốt lương thực, thực phẩm tránh ẩm, mốc, mối mọt và ngập nước; Bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, phòng chống côn trùng, động vật gây bệnh và ruồi, nhặng xâm nhập.
Thu gom rác thải, xác động vật chết, chôn lấp theo quy định, nạo vét, khơi thông cống rãnh bảo đảm vệ sinh môi trường.
Sau khi nước rút người dân cần tổ chức tổng vệ sinh nhà cửa và khu vực xung quanh nhà, đường làng ngõ xóm, cào quét bùn đất và phù sa ra khỏi nhà, sân và đường đi. Lau rửa sạch sàn nhà, quét dọn lau chùi nhà cửa, thay rửa bể nước, chum vại đựng nước, rửa dụng cụ nấu ăn, nồi soong, bát đĩa rồi phơi khô. Khơi thông cống rãnh, san lấp các vùng nước đọng./.
Đỗ Hằng