Hiện tại, khi thời điểm năm học mới sắp bắt đầu, dịp Tết Trung thu cũng đang đến gần, các chuyên gia cảnh báo, số trẻ mắc COVID-19 có thể gia tăng nhanh. Đặc biệt sau mắc COVID-19, nhiều trường hợp trẻ mắc hội chứng MIS-C với các biểu hiện viêm đa hệ thống và ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt… sau khi mắc COVID-19, có thể tiến triển nặng, thậm chí tử vong. Nhiều trẻ khác cũng có thể gặp phải hội chứng hậu COVID-19 với các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe như mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau cơ… ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập và vui chơi, gây hậu quả lâu dài đối với quá trình phát triển của trẻ.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 28/8, cả nước đã triển khai tiêm được hơn 255 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Trong đó, tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi đạt hơn 15 triệu liều vắc xin, trong đó mũi 1 đã đạt 82,9%; mũi 2 đạt 53,4%.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, số ca mắc mới bệnh COVID-19, số ca phải nhập viện, số ca nặng đang có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, tại một số nơi, một số địa phương, việc tiêm vắc xin chưa bảo đảm yêu cầu, tiến độ tiêm chủng còn chậm, nhất là tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi, tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi còn thấp.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12- dưới 18 tuổi tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Tại tỉnh Phú Thọ, theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, tính đến hết ngày 28/8/2022, người trên 18 tuổi có 992.719 (99,9%) người tiêm đủ 02 mũi; 220.206 (98,5%) người đã tiêm mũi bổ sung; 695.143 (86,6%) người đã tiêm mũi nhắc lại (mũi 3); 169.158 (65,3%) người đã tiêm mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4). Trẻ em từ 12-17 tuổi: 134.339 (100%) trẻ tiêm đủ hai mũi vắc xin; 77.984 (58,9%) trẻ đã tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3). Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi: 146.623 (74,1%) trẻ đã tiêm một mũi vắc xin; 88.816 (44,9%) trẻ được tiêm đủ hai mũi vắc xin.
Mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ khá cao, tuy nhiên so với mặt bằng chung của toàn quốc vẫn thấp hơn, đặc biệt tỷ lệ tiêm mũi thứ 3 của trẻ em từ 12 – 17 tuổi và mũi thứ 2 của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi vẫn còn đạt thấp, có sự chênh lệch khá cao so với các mũi tiêm trước.
Việc thực hiện tiêm vắc mũi nhắc lại giúp củng cố hệ thống miễn dịch, tăng cường khả năng phòng bệnh. Do vậy các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm đưa con em của mình đi tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ các mũi tiêm theo khuyến cáo của Bộ Y tế, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ trẻ khỏi dịch bệnh COVID-19 trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 02/9, dịp khai giảng năm học mới 05/9 và dịp Tết Trung thu năm 2022.
Cùng với việc phát hiện nhiều biến chủng phụ của chủng Omicron, nguy cơ dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại là rất lớn, đặc biệt là trong khi người dân dần mất đi cảnh giác dịch bệnh COVID-19. Thực hiện đeo khẩu trang, khử khuẩn và tiêm đủ vắc xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế đang là giải pháp cấp thiết nhằm ngăn chặn sự bùng phát trở lại của bệnh dịch.
Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 càng cao, nguy cơ bùng phát dịch bệnh càng giảm. Công tác phòng chống dịch bệnh không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban ngành đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội cho đến mỗi người dân. Về phía nhà trường, các trường học cần chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống COVID-19 và tuyên truyền cho các em học sinh, giáo viên, nhân viên nghiêm túc thực hiện. Các ban ngành đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, chung tay tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là tiêm vắc xin phòng COVID-19 đúng, đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại cộng đồng và tạo môi trường an toàn nhất cho trẻ vui chơi, học tập trong năm học mới./.
Đỗ Hằng