Sau 16 ngày phẫu thuật ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và được theo dõi sát sao bởi các bác sĩ, điều dưỡng tại Trung tâm Thận – Lọc máu và Khoa Ngoại thận – Tiết niệu, cùng sự hỗ trợ của hệ thống trang thiết bị hiện đại và các kỹ thuật chuyên sâu, người bệnh L.K.D., 24 tuổi, Tiên Cát, Việt Trì đã bình phục và được ra viện trong niềm hạnh phúc của gia đình.
Trước đó, người bệnh L.K.D đã phát hiện suy thận mạn giai đoạn cuối, chưa trải qua lọc máu chu kỳ. Các bác sĩ tại Trung tâm Thận – Lọc máu đã hội chẩn và đưa ra một số phương pháp điều trị gồm: ghép thận, lọc máu thận nhân tạo và lọc màng bụng. Sau tư vấn, người bệnh quyết định lựa chọn phương pháp ghép thận, người cho thận chính là mẹ của người bệnh.
BSCKII. Lê Na- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ phát biểu và tặng hoa chúc mừng người bệnh và gia đình người bệnh
Ca phẫu thuật ghép thận đã được các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và các Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thực hiện thành công. Trải qua 16 ngày điều trị, người bệnh đã bình phục, các chỉ số sức khỏe ổn định và được ra viện.
Theo BSCK II. Thiều Thị Thanh Thủy – Giám đốc Trung tâm Thận – Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, người bệnh L.K.D là một trường hợp vô cùng may mắn khi được ghép thận từ sớm nhờ được mẹ cho một quả thận, nhờ vậy người bệnh tránh được nguy cơ phải chạy thận nhân tạo chu kỳ. Sau khi ra viện, người bệnh sẽ cần duy trì sử dụng thuốc chống thải ghép để đảm bảo thận ghép được hoạt động bình thường.
Người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối điều trị bằng phương pháp chạy thận nhân tạo, cuộc sống của họ gần như phải gắn liền với bệnh viện, do đó, ghép thận là phương án điều trị tối ưu. Hiện nay, ghép thận đã trở thành một trong những kỹ thuật chuyên sâu được thực hiện thường quy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ với tỷ lệ người bệnh sau ghép thận hồi phục tốt đạt 100%./.
Đào Lan- Thu Vân