Ngày dân số Thế giới là sáng kiến của Liên hợp quốc, được tổ chức hàng năm vào ngày 11/7, nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về c ác vấn đề liên quan đến dân số như tăng trưởng dân số, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới và phát triển bền vững. Ngày này được khởi xướng vào năm 1989 bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), sau sự kiện dân số thế giới đạt mốc 5 tỷ người vào ngày 11/7/1987. Đây là dịp để các quốc gia cùng đánh giá, thúc đẩy những chính sách dân số hiệu quả, đảm bảo quyền sinh sản và chất lượng cuộc sống cho mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ và thanh thiếu niên.
Tại Việt Nam, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hoá, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Công tác truyền thông về dân số của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá.

Tuyên truyền lưu động hưởng ứng ngày Dân số thế giới 11/7 (Ảnh Hồng Quân)
Chất lượng dân số Việt Nam ngày càng được cải thiện, tuổi thọ trung bình ngày càng tăng lên. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng 33,7 năm từ 40 tuổi (1960) lên 74,7 (2023). So với năm 2019, tuổi thọ bình quân tính từ lúc sinh của Việt Nam đã tăng lên 1,1 năm sau giai đoạn 5 năm. Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm 6,6 cm, đạt 168,1 cm ở nam (2020) và 156,2 cm ở nữ.
Tuy nhiên, mức sinh trên toàn quốc có xu hướng giảm thấp dưới mức sinh thay thế và dự báo sẽ tiếp tục xuống thấp trong các năm tiếp theo. Tổng tỷ suất sinh năm 2024 là 1,91 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế. Kể từ năm 2009 đến hết năm 2022, trong suốt gần 15 năm, mức sinh của Việt Nam giữ trạng thái tương đối ổn định xung quanh mức sinh thay thế (2,1 con). Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, 2023-2024, mức sinh của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu giảm nhanh hơn (trong khi đó, mục tiêu Nghị quyết 21- NQ/TW đề ra là “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế”). Theo dự báo, đến năm 2039, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng, năm 2042 quy mô dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh và sau năm 2054 dân số sẽ bắt đầu tăng trưởng âm. Hệ lụy của mức sinh thấp kéo dài sẽ dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động, suy giảm quy mô dân số, đẩy nhanh già hóa dân số, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện tốt mục tiêu Nghị quyết 21-NQ/TW đề ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV đã ban hành Pháp lệnh số 07/2025/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Pháp lệnh Dân số, có hiệu lực từ ngày 03/6/2025. Theo đó, mỗi cặp vợ chồng, cá nhân được quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy của cá nhân, cặp vợ chống trên cơ sở bình đẳng. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng, tránh để mức sinh giảm quá thấp, không đạt mức sinh thay thế - điều có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, an ninh và quốc phòng trong tương lai.
Tại tỉnh Phú Thọ, công tác dân số đã hoàn thành các chỉ tiêu và nhiệm vụ trên cả 3 mặt: Quy mô dân số, cơ cấu dân số và nâng cao chất lượng dân số. Mức sinh giảm mạnh, tình trạng sức khỏe sinh sản, chất lượng dân số được cải thiện; kìm hãm hiệu quả đà tăng tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay, các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được triển khai và mở rộng nhằm từng bước thích ứng với già hóa dân số. Trong đó, nội dung tập trung vào về các vấn đề nâng cao chất lượng dân số hiện nay như: tuyên truyền về hệ lụy của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên (VTN/TN), tình bạn, tình yêu và tình dục an toàn; phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục; phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, Vận động mọi thanh niên trước khi kết hôn nên đi tư vấn và khám sức khỏe; thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số; thực hiện kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh… Theo số liệu tổng hợp đến tháng 5/2025: Số trẻ em sinh là 5.983 trường hợp, giảm 572 trường hợp (8,73%) so với cùng kỳ năm 2024. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 22,28% (tăng 0,26%) so với cùng kỳ năm 2024; Tỷ số giới tinh khi sinh 114,44 nam/100 nữ, giảm 3,9 điểm % so với cùng kỳ năm 2024. Tổng biển pháp tránh thai hiện đại: 76.844 ca, đạt 77,5% kế hoạch năm, tăng 1,58% so với cùng kỳ năm 2024. Số bà mẹ mang thai được tầm soát: 9.246 trường hợp, đạt 99,4% (kế hoạch 90%); số trẻ em mới sinh được tầm soát: 4.891 trường hợp đạt 82% (kế hoạch 75%); số người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần: 151.738 người đạt 55%; số nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn: 2.478 trường hợp, đạt 88,2%.
Thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu: Giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục nỗ lực đạt mức sinh thay thế; cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số. Đặc biệt để thực hiện tốt chính sách dân số trong tình hình mới, Chi cục Dân số đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân số, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong toàn xã hội. Trong đó, trọng tâm là tuyên truyền đến mỗi gia đình, mỗi cá nhân hiểu rõ quyền và trách nhiệm trước khi quyết định sinh con và quyết định số con cho phù hợp với điều kiện của gia đình góp phần nâng cao chất lượng dân số./.
Phong Chi (tổng hợp)