Bệnh đau thần kinh tọa là một tình trạng đau lưng gây ra do dây thần kinh hông (thần kinh tọa) bị chèn ép hoặc bị tổn thương. Khi dây thần kinh hông bị chèn ép hoặc tổn thương có thể gây ra những cơn đau ở vùng lưng dưới, lan tới hông, mông và chân.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế cho thấy, đau thần kinh tọa chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 50%) trong tổng số các bệnh dây thần kinh ngoại biên phải nằm điều trị tại bệnh viện. Tại Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh, số người bệnh đến khám và điều trị đau dây thần kinh tọa có xu hướng ngày càng tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, có 229 người bệnh điều trị đau dây thần kinh tọa, tăng 11.2% so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Người bệnh bị đau dây thần kinh tọa được điều trị bằng phương pháp cấy chỉ
tại Bệnh viện Y dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ |
BSCKI. Nguyễn Thị Đông - Trưởng Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện Y dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ cho biết: “Nguyên nhân thường gặp dẫn tới đau dây thần kinh tọa là các trường hợp bị thoát vị đĩa đệm. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau thần kinh tọa. Theo thời gian, các đĩa đệm bị tổn thương, nhân nhầy thoát ra ngoài và khô cứng chèn vào rễ dây thần kinh hông và gây đau. Ngoài ra, các nguyên nhân khác dẫn tới đau dây thần kinh tọa: Lao động quá sức hoặc vận động không khoa học như bê vác, vận chuyển đồ, kéo vật nặng hoặc ngồi sai tư thế sẽ gây ảnh hưởng đến cột sống, tình trạng này diễn ra trong khoảng thời gian dài dẫn đến chèn ép và gây đau dây thần kinh; các bệnh lý cột sống như hẹp cột sống, lao cột sống, ung thư cột sống, thoái hóa cột sống, viêm khớp cột sống, viêm đĩa đệm,…; Do chấn thương hoặc nhiễm trùng như gãy xương, viêm cơ, nhiễm trùng có thể chèn ép lên dây thần kinh hông gây đau. Một số trường hợp thì không có nguyên nhân cụ thể.”
Người bệnh đau thần kinh tọa có các triệu chứng như: đau, tê bì, nóng rát hay vùng đau cảm giác như có kiến bò theo đường đi của dây thần kinh tọa (từ thắt lưng lan dọc xuống hai bên hông và mông, lan xuống bắp chân, khoeo chân và xuống tận các ngón chân); đau âm ỉ từng cơn hoặc đau cấp tính liên tục, đau tăng lên khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi, cơn đau có xu hướng nặng hơn vào ban đêm; kèm theo có thể có cứng cột sống, khó cúi hoặc nghiêng người; khó kiễng chân, khó đứng trên đầu ngón chân, với người bệnh nặng, chân tê bì mất cảm giác, lâu dần sẽ có nguy cơ bị teo cơ.
Hiện nay, điều trị đau dây thần kinh tọa bằng y dược cổ truyền được rất nhiều người bệnh tin tưởng lựa chọn vì an toàn, không ảnh hưởng đến dạ dày, gan, thận, đem lại hiệu quả cao, có tác dụng lâu dài, ngăn ngừa tái phát và chi phí thấp. Đối với bệnh đau dây thần kinh tọa, y học cổ truyền có hai phương pháp điều trị gồm: không dùng thuốc (hướng dẫn cho người bệnh luyện tập, xoa bóp bấm huyện, châm cứu,...) và dùng thuốc (các bài thuốc cổ truyền với thành phần từ thảo dược thiên nhiên, không có tác dụng phụ, hỗ trợ điều trị sâu giúp người bệnh giảm các triệu chứng của bệnh).
Để phòng ngừa đau dây thần kinh tọa, chúng ta không nên vận động quá sức, làm việc sai tư thế; bảo đảm tư thế đúng khi đứng, tư thế ngồi, mang, vác hay nhấc vật nặng để tránh tải trọng quá mức lên cột sống; tập thể dục vừa sức, thường xuyên để nâng cao thể lực; thường xuyên tập luyện các bài tập tăng sự dẻo dai của các khối cơ lưng, bụng và tăng sự mềm mại của cột sống. Khi có dấu hiệu của bệnh, nên đi khám để được tư vấn điều trị kịp thời tránh các biến chứng do bệnh gây ra./.
Đỗ Hằng