Bại não là một trạng thái rối loạn thần kinh trung ương không tiến triển, gây nên do tổn thương não bởi nhiều nguyên nhân ảnh hưởng vào giai đoạn trước, trong và sau khi sinh với những di chứng về vận động, giác quan, tâm thần và hành vi. Bệnh bại não thường được chẩn đoán khi trẻ lên 2 đến 3 tuổi. Trẻ bại não thường sẽ kiểm soát đầu cổ và thân mình kém, do đó tất cả những mốc vận động tiếp theo (lẫy, ngồi, bò, quỳ, đứng, đi) đều bị ảnh hưởng. Việc kiểm soát đầu cổ kém cũng là dấu hiệu đầu tiên để nghi ngờ bất thường ở trẻ trước 6 tháng tuổi. Đối với việc kiểm soát đầu cổ và thân mình kém, các chuyên gia khuyến cáo cần thực hiện phục hồi chức năng sớm cho trẻ. Những trường hợp phục hồi chức năng sớm có tỷ lệ phục hồi sức khỏe cao hơn. Như trường hợp bệnh nhi N.N.D, 4 tuổi, trú tại xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ vừa được Trung tâm Y tế huyện Tam Nông phục hồi chức năng vận động thành công. Trước khi đến Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, bệnh nhi đã đi thăm khám nhiều nơi và được chẩn đoán bại não, dẫn đến tổn thương vận động, bé không thể tự đứng, đứng bám và không biết đi. Sau khi nhập viện, bé N.N.D được các y bác sỹ hướng dẫn luyện tập các bài tập theo phương pháp vật lý trị liệu. Phương pháp này hỗ trợ bé đứng thẳng gối, giúp bé phát triển khả năng kiểm soát cổ, thân mình, hông, gối, cổ chân. Chỉ sau 3 tháng điều trị, gia đình D và các y bác sỹ đã vỡ òa trong niềm vui khi nhìn D. có thể đứng và giữ thăng bằng được, đặc biệt là bé đã có thể tự mình bước đi, giữ thăng bằng khi đi.
 |
Bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Tam Nông tập phục hồi chức năng cho trẻ |
Theo BSCKI. Nguyễn Quang Đạo - Trưởng khoa Y học cổ truyền và phục hồi chức năng – Trung tâm Y tế huyện Tam Nông chia sẻ: “Việc tập phục hồi chức năng cho trẻ bại não nên bắt đầu càng sớm càng tốt vì sẽ tránh được các biến dạng co rút cơ, khớp và giúp trẻ phát triển các kỹ năng vận động sớm. Việc tập phục hồi chức năng cho trẻ bại não phải kiên trì, lâu dài, chứ không thể một sớm một chiều là cải thiện được bệnh của trẻ. Cũng có trường hợp, việc tập này kéo dài gần như cả cuộc đời”.

Có nhiều phương pháp hiện đang được áp dụng trong điều trị cho trẻ bại não như: phục hồi các rối loạn vận động như làm bớt co cứng, múa vờn hay rối loạn trương lực cơ; tập luyện khả năng điều khiển tự chủ; điều trị các rối loạn thính giác, thị giác, động kinh nếu có. Cũng theo BSCKI. Nguyễn Quang Đạo, tập luyện chức năng cho trẻ bại não có đặc điểm là trẻ chưa hề biết những động tác mà kỹ thuật viên tập cho, nên các các bác sĩ, điều dưỡng tiến hành rất kỹ lưỡng, theo trình tự phát triển vận động của trẻ bình thường. Ngoài ra, cần chú ý thêm đến vấn đề giao tiếp, tinh thần của trẻ bại não để trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội. Đối với trẻ lớn, cần phải học cách độc lập trong sinh hoạt hằng ngày như vệ sinh cá nhân. Tránh để trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào người thân nếu trẻ có thể tự làm.
Để phòng tránh bệnh bại não ở trẻ, phụ nữ khi mang thai cần được theo dõi và quản lý thai nghén chặt chẽ, phát hiện và điều trị các bệnh mạn tính, các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục-tiết niệu, tiêm phòng cúm, rubella trước khi mang thai. Tránh tiếp xúc tia phóng xạ, dùng thuốc và các chất kích thích trong quá trình thai nghén. Người mẹ phải khỏe mạnh trước khi mang thai, chăm sóc trước sinh tốt, chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tránh đẻ non tháng, nhẹ cân. Bảo vệ trẻ không bị các bệnh nhiễm trùng và chấn thương sọ não. Nếu nghi ngờ, phát hiện trẻ có dấu hiệu chậm phát triển, cha mẹ và người thân hãy đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn khám sàng lọc và can thiệp kịp thời, đúng cách./.
Hà Hoài Thu