Sốt rét là một bệnh sốt cấp tính do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, lây truyền sang người qua vết đốt từ muỗi Anopheles. Dù có thể phòng ngừa và điều trị được nhưng sốt rét vẫn đang là một căn bệnh đe dọa đến tính mạng con người và gây ảnh hưởng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Phi và một số nước châu Á, Nam Mỹ. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 2 trăm ngàn trẻ em dưới 5 tuổi ở châu Phi chết vì sốt rét.
Ngày Thế giới phòng chống sốt rét năm 2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lấy chủ đề: “Đã đến lúc thực hiện mục tiêu loại trừ sốt rét: Đầu tư, đổi mới, thực thi” (“Time to deliver zero malaria: invest, innovate, implement”). Trong chủ đề này, WHO sẽ tập trung vào chữ “i” thứ ba – “implement” (thực thi) - và đặc biệt chú ý tầm quan trọng của việc tiếp cận các nhóm “bên lề” (marginalized group: nhóm dân cư chịu nhiều thiệt thòi) bằng các công cụ và chiến lược hiện có (WHO, 2023).
Tại Việt Nam, năm 2022 ghi nhận 455 bệnh nhân sốt rét, 01 bệnh nhân tử vong và đã có 42 tỉnh, thành phố được công nhận loại trừ bệnh sốt rét. Tuy nhiên, bệnh sốt rét vẫn còn diễn biến phức tạp với hơn 6,8 triệu người sống trong vùng sốt rét lưu hành tập trung chủ yếu ở tỉnh Lai Châu, Bình Phước và một số tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên… Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo Việt Nam và một số nước khác có sốt rét lưu hành nhẹ và trung bình chuyển sang chiến lược loại trừ sốt rét, với các hướng dẫn thực hành để tiến tới một thế giới không còn sốt rét. Việt Nam cũng đã xây dựng chiến lược đến năm 2025 sẽ loại trừ sốt rét do nhiễm ký sinh trùng Plasmpdium falciparum và định hướng đến năm 2030 toàn bộ bệnh nhân bệnh sốt rét do nhiễm các loại ký sinh trùng khác đều được loại trừ.

Phun hóa chất diệt muỗi là một trong các biện pháp phòng bệnh sốt rét
Hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống sốt rét năm 2023, Việt Nam tham gia với chủ đề “Dồn tổng lực về đích để loại trừ sốt rét tại Việt Nam”, với mong muốn truyền thông rộng rãi tới người dân về phòng chống và loại trừ sốt rét, thu hút sự quan tâm ủng hộ của các cấp lãnh đạo, đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét một cách bền vững.

Phun hóa chất diệt muỗi là một trong các biện pháp phòng bệnh sốt rét
Phú Thọ là một trong 25 tỉnh thành được xét công nhận loại trừ bệnh sốt rét năm 2019. Để chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét, ngành Y tế tỉnh đã nỗ lực huy động các nguồn lực, tổ chức triển khai tốt các hoạt động truyền thông phòng chống sốt rét tại cộng đồng. Chỉ riêng trong quý I năm 2023 đã tổ chức được 1.313 lượt phát thanh trên loa đài xã, 130 lượt tuyên truyền, 262 lượt thăm hộ gia đình; tăng cường công tác đào tạo và xây dựng mạng lưới; đảm bảo đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ cho công tác phòng chống sốt rét trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, hoạt động giám sát phát hiện trường hợp sốt rét lâm sàng, quản lý đối tượng giao lưu vùng sốt rét lưu hành và kịp thời lấy lam xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét được đặc biệt chú trọng.
Sắp tới, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông phòng chống sốt rét trên phương tiện thông tin đại chúng; huy động sự tham gia của chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội, người dân triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường xung quanh, thu gom phế thải, loại bỏ nơi trú ẩn của muỗi, loại trừ triệt để bọ; vận động người dân chủ động phun hóa chất diệt véc tơ truyền bệnh sốt rét.
Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh sốt rét, vì vậy cách phòng bệnh hiệu quả nhất là phòng trừ muỗi truyền bệnh, mọi người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Thường xuyên ngủ màn, ngay cả ban ngày và màn cần được tẩm hóa chất diệt muỗi.
- Buổi tối khi làm việc phải mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt, có thể sử dụng nhang xua muỗi.
- Vệ sinh môi trường xung quanh, loại bỏ những nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo phải được xếp gọn gàng không nên treo hay móc quần áo trên tường làm chỗ cho muỗi đậu,…
- Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo màn để ngủ, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống phòng và khi trở về từ vùng rừng núi nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, nếu bị sốt rét sẽ được điều trị kịp thời.
- Khi thấy các biểu hiện của bệnh sốt rét như: rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng và phòng lây nhiễm cho người xung quanh./.
Đào My tổng hợp