Kỳ thi THPT Quốc gia đang đến gần, thời điểm quan trọng để các sĩ tử tập trung ôn luyện, nỗ lực đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, mùa thi căng thẳng, gấp rút cũng khiến nhiều bạn học sinh giảm sút về sức khỏe. Để đạt được mục tiêu, việc duy trì sức khỏe tốt trước và trong kỳ thi là điều cần thiết. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, cùng với việc tập trung ôn luyện, các sĩ tử cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, có chế độ ngủ, nghỉ hợp lý, đủ giờ.

Để giữ sức khỏe tốt và tập trung học tập, việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng và hợp lý là rất quan trọng. Các sĩ tử cần ăn đủ 3 bữa chính và bổ sung thêm 2-3 bữa phụ trong ngày, nhưng không nên ăn quá no. Nếu bữa nào ăn quá no, máu sẽ tập trung về dạ dày và ruột để tiêu hóa lượng thức ăn thừa, dẫn tới giảm khả năng tiếp thu bài vở và buồn ngủ. Đặc biệt, sáng sớm là thời điểm cần thiết nhất để nạp năng lượng cho cơ thể, do đó không được bỏ bữa sáng. Ngoài việc ăn uống đúng cách, cần tập thể dục nhẹ nhàng và nghỉ ngơi đầy đủ để đảm bảo sức khỏe tốt nhất trong kỳ thi. Để duy trì sức khỏe trong thời gian thi, cần đảm bảo cung cấp đủ các nhóm dinh dưỡng như chất đạm, vitamin, chất béo và chất xơ. Đây là bí quyết giúp sĩ tử duy trì năng lượng và tập trung trong quá trình học tập. Dưới đây là một gợi ý thực đơn mà phụ huynh có thể tham khảo:
Bữa sáng: Nên ăn các món chứa đạm như thịt, cá, trứng hoặc các món chứa tinh bột như ngũ cốc, khoai tây, khoai lang, yến mạch, gạo lứt. Tráng miệng với nước ép hoa quả hoặc trái cây tươi để cung cấp thêm vitamin và chất xơ.
Bữa trưa: Tăng cường bổ sung chất xơ cho cơ thể bằng cách ăn rau củ và trái cây. Bữa trưa nên đơn giản, không cầu kỳ, có thể ăn bún.
Bữa phụ chiều: Vào khoảng 4 giờ chiều, cơ thể rất dễ đói và cần nạp năng lượng để duy trì sự tỉnh táo. Nên ăn nhẹ, có thể là một thanh protein hoặc vài viên chocolate kèm hạt khô và trái cây tươi.
Bữa tối: Tránh ăn quá no bằng cách giảm bớt các món giàu đạm. Nên ăn tinh bột vừa đủ để tránh tình trạng buồn ngủ và giúp máu lên não nhanh hơn.
Nhiều sỹ tử tin rằng càng học nhiều thì càng tốt, nhưng áp lực bài vở cộng với tâm lý lo lắng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe và hiệu suất học tập không hiệu quả. Thức đêm triền miên, thiếu ngủ, ngủ không sâu giấc không chỉ gây mệt mỏi mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và khả năng tập trung. Khi cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ, bộ não cần nghỉ ngơi. Tốt nhất, sĩ tử hãy rời khỏi bàn học, chợp mắt trong khoảng 30 phút trước khi tiếp tục học hoặc đi ngủ nếu đã quá khuya. Không nên ép bộ não hoạt động quá mức vì điều này sẽ làm giảm hiệu suất học tập ngày hôm sau. Bên cạnh đó, nên tuân thủ chu kỳ sinh học của cơ thể, đó là ngủ đủ giấc và thức dậy sớm. Thiếu ngủ sẽ làm giảm năng lượng, làm giảm tiết hormon tăng trưởng, ăn uống kém, suy nhược hệ thần kinh và toàn cơ thể, từ đó sẽ giảm năng suất học tập. Đảm bảo ngủ đủ 6-8 tiếng một ngày, bắt đầu học bài từ 7 giờ tối và ngủ trước lúc 23 giờ, sáng có thể rèn thói quen dậy sớm lúc 5 giờ để học bài bởi đây là lúc tiếp thu kiến thức hiệu quả hay tư duy tốt hơn. Nên ngủ trưa từ 30 phút đến 1 tiếng để giúp cơ thể và bộ não nghỉ ngơi.
Vận động giúp cải thiện lưu thông máu, mang đến cho não nhiều oxy và dưỡng chất hơn, từ đó cải thiện hiệu quả học tập. Nghiên cứu cho thấy não bộ chỉ có thể tập trung và hoạt động liên tục trong 45 phút, vì vậy, nên nghỉ giải lao 10 phút sau mỗi 45 phút học tập. Trong thời gian nghỉ này, có thể đi lại hoặc thở sâu để tăng lưu lượng máu lên não, giúp não thư giãn và nghỉ ngơi. Để giảm căng thẳng và duy trì sức khỏe tốt, các em nên dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để vận động thể dục. Chạy bộ 15 phút vào mỗi buổi sáng hoặc tập aerobic tại nhà 15 phút trước khi đi ngủ sẽ giúp cải thiện sức khỏe và tinh thần.
Vân Anh tổng hợp