Để kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN cùng chung tay phòng, chống bệnh sốt xuất huyết cũng như học tập, chia sẻ kinh nghiệm nhằm hướng tới một cộng đồng ASEAN không có sốt xuất huyết, tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế các nước ASEAN lần thứ 10 được tổ chức tại Singapore vào tháng 7 năm 2010, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổ chức ASEAN và đại biểu 10 nước thành viên ASEAN đã thông qua quyết định quan trọng thống nhất chọn ngày 15/6 hàng năm là “Ngày ASEAN phòng chống Sốt xuất huyết”.
Theo thống kê tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết cho thấy, tích lũy trong năm 2022, cả nước ghi nhận 361.813 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 133 ca tử vong. Số mắc tăng hơn năm lần, số ca tử vong tăng 5,3 lần so với năm 2021. Trong 3 tháng đầu năm 2023 đến nay, cả nước đã ghi nhận được 25.490 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 2 lần so với cùng kỳ năm trước), trong đó có 3 ca tử vong.
Tại tỉnh Phú Thọ, trong 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận 759 ca mắc/ nghi mắc SXHD cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022 (360 trường hợp). Sở Y tế đã chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng triển khai giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo đầy đủ thuốc, trang thiết bị, máy móc điều trị; tổ chức tốt việc thu dung, điều trị người bệnh, tránh tình trạng người bệnh không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời.
Để chủ động phòng chống Sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành giám sát chặt chẽ các ca bệnh, ổ dịch cũ; đẩy mạnh công tác truyền thông tại các khu dân cư về các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết. Các xã, phường, thị trấn, các công ty, xí nghiệp trong toàn tỉnh tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, súc rửa các dụng cụ chứa nước nhằm loại trừ các ổ chứa bọ gậy với sự tham gia tích cực của toàn thể cộng đồng; 100% các điểm nguy cơ SXHD trên địa bàn tỉnh ra quân tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và phun hóa chất chủ động phòng chống SXH; phát thanh tuyên truyền trên đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn, kêu gọi cộng đồng cùng tham gia hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết.
Bệnh SXHD là bệnh do muỗi truyền và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vắc xin ngừa bệnh SXHD hiện đang được nghiên cứu và thử nghiệm. Cho đến nay phòng bệnh chủ yếu vẫn là giải quyết véc tơ truyền bệnh như phun hóa chất diệt muỗi và diệt lăng quăng, bọ gậy. Để phòng chống Sốt xuất huyết hiệu quả cần sự chung tay của chính quyền các cấp, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là mỗi người dân trong cộng đồng ý thức trách nhiệm, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản ngay tại hộ gia đình.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng, thau rửa bên trong các dụng cụ chứa nước ít nhất 1 lần/ tuần; khai thông cống rãnh, phát quang bụi rậm để tránh cho muỗi trú ngụ; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng; ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt; tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch; khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà./.
Đào Lan tổng hợp