Thưa quý vị và các bạn!
Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn đối với nhân loại, gây ra các hình thái thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, nắng nóng, rét đậm, rét hại… gây hậu quả nặng nề cho sức khỏe con người như tử vong, mất tích, chấn thương, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần nghiêm trọng. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu tác động gián tiếp đến sức khỏe thông qua những nguồn gây bệnh, làm tăng khả năng bùng phát và lan truyền các bệnh dịch như bệnh cúm A/H5N1, tay chân miệng, tiêu chảy, dịch tả; làm tăng khả năng xảy ra một số bệnh nhiệt đới như sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, làm tăng tốc độ sinh trưởng và phát triển nhiều loại vi khuẩn và côn trùng, vật chủ mang bệnh (ruồi, muỗi, chuột, bọ chét, ve).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các dịch bệnh nguy hiểm đang lan tràn ở nhiều nơi trên thế giới hơn bao giờ hết. Những vùng trước kia có khí hậu lạnh giờ đây cũng xuất hiện các loại bệnh nhiệt đới. Hàng năm có khoảng 150.000 người chết do các bệnh có liên quan đến BĐKH, từ bệnh tim do nhiệt độ tăng quá cao, đến các vấn đề hô hấp và tiêu chảy...
Nếu không có các biện pháp thích ứng và đối phó với BĐKH, sẽ rất nguy hiểm đến sự sống của hàng triệu người trên trái đất. Để giảm thiểu và thích ứng với BĐKH, người dân hãy thực hiện các biện pháp sau:
1. Hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng gió, mặt trời, thủy triều, địa nhiệt… Nhiên liệu hóa thạch là nguồn gây hiệu ứng nhà kính rất lớn.
2. Sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng (điện, xăng dầu, than củi…) cùng các tài nguyên (nước ngọt, rừng, tài nguyên sinh học, khoáng sản…) trong sản xuất và sinh hoạt.
3. Ngăn chặn nạn phá rừng, tích cực trồng và chăm sóc rừng.
4. Chuyển đổi sang các mô hình sản xuất và sinh hoạt thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, sinh thái mới. Sử dụng các giống cây trồng vật nuôi có khả năng chịu mặn cao, các giống ngắn ngày tránh lũ, xây dựng các mô hình nhà tránh lũ…
5. Cải tạo nâng cấp hạ tầng giao thông, tăng cường hệ thống bảo ôn, xây dựng các loại nhà thân thiện môi trường…
6. Kế hoạch hóa gia đình: mỗi cặp vợ chồng nên thực hiện kế hoạch hóa để cắt giảm nhu cầu tiêu thụ (thực phẩm, quần áo…) góp phần giảm phát thải khí nhà kính và các chất gây ô nhiễm môi trường.
7. Sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
8. Đầu tư công nghệ sạch và áp dụng sản xuất sạch hơn.
9. Nghiên cứu và áp dụng các thành tựu, sản phẩm khoa học thích ứng với biến đổi khí hậu vào thực tế.
10. Phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Giảm thiểu và thích ứng với BĐKH cũng chính là đang bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta. Chỉ cần một thay đổi nhỏ, nhưng nhiều người cùng làm sẽ tạo ra được tác động to lớn. Hãy cùng chung tay thực hiện các giải pháp giảm thiểu và thích ứng với BĐKH để cuộc sống của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn.
Cảm ơn quý vị đã lắng nghe!
Đỗ Hằng