Theo PGS, TS Nguyễn Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện nay, một phần tư dân số thế giới với 2 tỷ người sử dụng nước không an toàn và 2,4 tỷ người sống ở các quốc gia căng thẳng về nước. Sự cạnh tranh để giành nguồn tài nguyên vô giá này ngày càng gia tăng, thậm chí dẫn đến xung đột ngày càng tăng do tình trạng khan hiếm nước.
Khoảng 600 triệu người kiếm sống phụ thuộc vào thực phẩm thủy sản, họ đang phải chịu tác động của ô nhiễm, suy thoái hệ sinh thái và biến đổi khí hậu. Cùng với đó, nhiều quốc gia trên thế giới đang lo ngại về nguy cơ mất an ninh lương thực, với sự xuất hiện hình thái mới về mất an ninh dinh dưỡng trong chế độ ăn, chế độ dinh dưỡng, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của người dân do những tác động của biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, đại dịch mới nổi trong đó có Covid-19 và biến động thị trường.
Đứng trước những thách thức toàn cầu về an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng, về biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực đến môi trường do sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, trong đó có việc sử dụng lãng phí nguồn nước, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đưa ra thông điệp cho Ngày Lương thực Thế giới (16-10) năm 2023 là: “Nước là cuộc sống, nước là thức ăn. Không để ai bị bỏ lại phía sau!” (Water is life; Water is food. Leave no one behind!).
Bộ Y tế khuyến cáo các cơ sở, đơn vị tổ chức tốt bữa ăn gia đình, bữa ăn học đường đảm bảo đa dạng, cân đối, đủ dinh dưỡng.
Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, để đảm bảo về an ninh lương thực, chúng ta cần sản xuất nhiều lương thực hơn, đa dạng hàng nông sản thiết yếu khác nhưng sử dụng ít nước hơn, với mục tiêu là “sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn, cuộc sống tốt hơn”. Những gì chúng ta ăn và cách sản xuất thực phẩm đều ảnh hưởng đến nước. Chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt bằng cách lựa chọn thực phẩm địa phương, theo mùa và tươi sống, ít lãng phí hơn, thậm chí giảm lãng phí thực phẩm và tìm cách an toàn để tái sử dụng.
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe người dân. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm đáng kể và bền vững, tình hình an ninh lương thực thực phẩm và bữa ăn của người dân đã được cải thiện rõ rệt.
Nhân Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển”, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng khuyến cáo, toàn dân sử dụng hiệu quả nguồn nước để góp phần đảm bảo an ninh dinh dưỡng, cải thiện sức khỏe và bảo vệ môi trường; đồng thời khuyến cáo các cơ sở, đơn vị tổ chức tốt bữa ăn gia đình, bữa ăn học đường đảm bảo đa dạng, cân đối, đủ dinh dưỡng.
BBT