Nằm điều trị tại Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực & chống độc, Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao đã 1 tháng nay, Người bệnh T.V.L., 64 tuổi, xã Hy Cương, Việt Trì, Phú Thọ Không tin mình từ cõi chết trở về, ông xúc động kể về quá trình điều trị của mình: “Trước đó, tôi đã điều trị tại bệnh viện tuyến Trung ương trong thời gian dài với chẩn đoán viêm phổi do Ecoli, tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ gan, suy thận cấp, tuy nhiên tình trạng ngày một chuyển nặng nên người nhà xin đưa về cơ sở y tế gần nhà để chăm sóc giai đoạn cuối. Khi đến Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao, các bác sĩ chẩn đoán tôi bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng kèm nhiều bệnh lý nền nguy hiểm, mặc dù nhận định đây là trường hợp tiên lượng rất nặng cần được điều trị, chăm sóc tích cực kéo dài nhưng các y bác sỹ Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực vẫn quyết tâm điều trị, tận tình chăm sóc tôi. Đến nay, bệnh tình tôi đã ổn định, tiếp tục lọc máu chu kỳ đồng thời theo dõi điều trị các bệnh lý nền trong thời gian tới. Trong thời gian điều trị tại Khoa, tôi tận mắt thấy sự tận tâm, nỗi vất vả chiến đấu giành lại sự sống cho những người bệnh của các bác sĩ, điều dưỡng nơi đây, tôi thấy vô cùng cảm kích và biết ơn các y, bác sĩ của Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc”
Kiểm tra xong một lượt tình trạng sức khỏe của những người bệnh đang điều trị nội trú, BSCKI. Trần Ngọc Lương – Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc, Phó Giám đốc Trung tâm lại cùng trao đổi với các bác sĩ cập nhật thêm một số y lệnh trong hồ sơ bệnh án, nhắc nhở các cán bộ của Khoa theo dõi chặt chẽ chỉ số sinh tồn ở những người bệnh nặng, người bệnh chạy thận nhân tạo. Bác sĩ Lương cho biết: “Ở khoa, 24/24 giờ đều có bác sĩ, điều dưỡng. Người bệnh nặng đòi hỏi phải có hội chẩn tốt, có phác đồ điều trị phù hợp, có người cứu được, có người phải chuyển lên tuyến trên, thậm chí là không thể cứu được. Đó là trăn trở rất ít người biết, người nhà người bệnh càng không thể biết... Đã làm ở khoa cấp cứu thì phải xác định là nhiều áp lực, căng thẳng”.

Thường xuyên tổ chức Tập huấn nhằm cập nhật và nâng cao kiến thức, kỹ năng về phòng, chẩn đoán và xử trí sốc phản vệ cho đội ngũ nhân viên y tế tại Trung tâm và Trạm trưởng, cán bộ phụ trách CTTCMR tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện
Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc - Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao hiện có 19 cán bộ, trong đó, có 06 bác sĩ, 13 điều dưỡng. Các y, bác sĩ đều có kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị, có phẩm chất y đức và được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn về hồi sức cấp cứu. Mặc dù khối lượng công việc không hề nhỏ, tình trạng người bệnh nặng và diễn biến liên tục, làm việc không ngừng nghỉ nhưng các y, bác sĩ nơi đây vẫn nhiệt huyết, tận tâm để giành giật sự sống cho người bệnh. Được sự quan tâm của Sở Y tế, Ban Giám đốc Trung tâm, Khoa được trang bị hệ thống máy móc đồng bộ như: Máy lọc máu liên tục (CRRT), máy lọc máu ngắt quãng (IHD), máy thở đa năng, máy thở không xâm nhập, máy khí máu, máy hút áp lực âm, máy đo huyết áp động mạch xâm lấn, hệ thống máy siêu âm tại giường, hệ thống oxy khí nén trung tâm, monitor theo dõi người bệnh.... Trên cơ sở đó, Khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực-Chống độc đã làm chủ được nhiều kỹ thuật như cấp cứu ngừng tuần hoàn, thở máy xâm nhập, thở máy không xâm nhập, mở khí quản cấp cứu, đặt ống nội khí quản, chọc hút dịch - khí khoang màng phổi,...

Đơn vị Thận nhân tạo- Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao được trang bị 5 máy chạy thận thế hệ tiên tiến, hiện đại và phòng bệnh khang trang, sạch sẽ đã đem đến sự thoải mái nhất cho người bệnh chạy thận nhân tạo
Ths.BS. Nguyễn Long An - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao cho biết: “Khu vực hồi sức cấp cứu là nơi tiếp nhận những người bệnh nặng, nguy kịch. Vì vậy, chúng tôi đặc biệt quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực hồi sức cấp cứu cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, đầu tư hệ thống máy móc đồng bộ, hiện đại, kịp thời xử lý các ca bệnh khó, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Các bác sĩ tại Khoa đều được đào tạo bài bản, thường xuyên được cử đi đào tạo tại các bệnh viện tuyến Trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Nội tiết Trung ương… Bên cạnh đó, các chuyên gia bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh thường xuyên hỗ trợ, hội chẩn từ xa giúp các y bác sĩ có cơ hội được học hỏi, trưởng thành thông qua nhiều tình huống khó khăn, phức tạp. Hàng năm, Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc - Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao tiếp nhận và điều trị hàng trăm ca bệnh cấp cứu. Trong đó, nhiều trường hợp người bệnh nặng, trong tình trạng nguy kịch đến tính mạng đã được Khoa cấp cứu thành công, giúp người bệnh không phải chuyển lên tuyến trên, tiết kiệm chi phí điều trị".
Thường xuyên chăm sóc, điều trị người bệnh nặng, có chức năng sống bị đe dọa cần phải hỗ trợ, yêu cầu chẩn đoán và xử trí phải hết sức nhanh, chính xác để mang lại sự sống có chất lượng cho người bệnh, vì thế, đội ngũ y bác sĩ trong Khoa lúc nào cũng phải sẵn sàng “chiến đấu”. Ngày thường đã vất vả, khó khăn, vào dịp Tết và mùa lễ hội mức độ công việc cần phải xử lý tăng gấp đôi khi Khoa thường xuyên tiếp nhận người bệnh tai nạn giao thông, xuất huyết tiêu hóa, nhồi máu cơ tim… Trung bình mỗi ngày, Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao điều trị lâm sàng và chăm sóc tích cực cho trên 8- 10 ca bệnh nặng với nhiều mặt bệnh khác nhau. Bên cạnh đó, từ tháng 12/2023, Khoa còn phụ trách quản lý đơn vị Thận nhân tạo, thực hiện các kỹ thuật lọc máu cấp cứu và chu kỳ theo quy định. Các giường bệnh của Khoa gần như lúc nào cũng kín người bệnh. Song với sự tận tâm, hết lòng vì người bệnh, trình độ chuyên môn vững vàng, từng phút, từng giây, không kể ngày hay đêm, ngày thường hay ngày nghỉ, họ vẫn thầm lặng, nỗ lực để giành lại sự sống cho người bệnh.
Một ngày của bác sĩ cần nhiều hơn 24h, vì thời gian là quá ít để dành cho riêng mình, để cười với người bệnh hay tâm tình đôi ba câu chuyện cho người bệnh vui lòng. Dẫu rằng đằng sau chiếc áo blouse trắng là bao nhiêu nỗi niềm trăn trở với nghề chưa kịp bộc bạch cùng vô vàn thử thách phía trước nhưng sức khỏe của người bệnh ngày một hồi phục, niềm tin, nụ cười rạng rỡ của người bệnh trên giường bệnh đó cũng chính là niềm tự hào, là động lực để các y, bác sỹ của khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực, chống độc Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết với con đường mà mình đã lựa chọn./.
Đào Lan