Sau bão lũ, nhiều vùng nước ngập bị ô nhiễm nặng bởi nước thải từ hệ thống cống rãnh, các công trình vệ sinh, chuồng trại và xác động thực vật phân hủy khuếch tán vào nước. Nước bẩn làm ô nhiễm đất, không khí, cây trồng, vật nuôi. Từ đó, phát sinh nhiều bệnh dịch nguy hiểm như: nhiễm khuẩn đường ruột, đau mắt, nhiễm khuẩn da, sốt xuất huyết… Bệnh tiêu chảy cấp do Rota vi rút là một trong những bệnh phổ biến và lây lan nhanh sau bão lũ do môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Tiêu chảy cấp do Rota vi rút lây lan nhanh, bệnh truyền qua đường phân – miệng. Sau mùa mưa lũ môi trường ô nhiễm, chất thải của con người phát tán ra môi trường là điều kiện thuận lợi cho Rota vi rút lây lan và trở thành dịch. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 3 tháng đến 24 tháng do sức đề kháng kém, trẻ cầm nắm đồ vật và đưa tay lên miệng.
Thời gian ủ bệnh trung bình của bệnh từ 2 – 3 ngày. Sau 1 – 2 ngày nhiễm vi rút trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng nôn nhiều và tiêu chảy. Thông thường nôn xuất hiện trước tiêu chảy, kéo dài từ khoảng 6 – 7 giờ đến 2 – 3 ngày, nôn giảm khi bắt đầu xuất hiện tiêu chảy. Phân nhiều nước, có thể có nhầy nhưng không có máu, tiêu chảy ngày càng tăng sau đó giảm dần sau 3 – 9 ngày. Vì bệnh gây ra nôn và tiêu chảy nhiều lần trong ngày nên dễ dẫn tới mất nước và rối loạn điện giải. Ở trẻ có thể xuất hiện tình trạng mệt mỏi, li bì, ăn kém, hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Mùa mưa lũ là điều kiện thuận lợi cho Rota vi rút lây lan mạnh (Ảnh minh họa)
Bệnh có thể tự khỏi sau 3 – 4 ngày ở các thể nhẹ, người có sức đề kháng tốt, triệu chứng không điển hình và không có dấu hiệu mất nước. với trường hợp nặng cần sớm bù nước và điện giải khi bị mất nước. Đặc biệt, ở trẻ em, cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, có thể dùng nước đun sôi để nguội, nước canh rau, nước khoáng hoặc cho trẻ uống Oresol theo hướng dẫn, sau mỗi lần trẻ đi ngoài.
Trong quá trình điều trị bệnh cần cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng như bình thường, phù hợp với lứa tuổi, tiếp tục cho trẻ bú mẹ nếu trẻ còn đang bú. Nếu trẻ không thể bù nước bằng đường uống và có biểu hiện mất nước, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.
Các biện pháp phòng tiêu chảy cấp do Rota vi rút
Sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt và chế biến, ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như: không ăn các loại thịt sống hoặc chưa nấu chín, rửa sạch rau quả trước khi ăn sống, giáo dục thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Sau bão lũ cần tổng vệ sinh nhà cửa, sân vườn, khử khuẩn quanh nhà bằng vôi bột hoặc dung dịch khử khuẩn; khơi thông cống rãnh, vệ sinh chuồng trại bằng vôi bột; tiêu hủy, chôn cất xác động vật chết theo đúng quy trình; lau dọn sàn nhà, vật dụng, bàn ghế, đồ chơi, đặc biệt những nơi đồ dùng bị ngập nước bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B, lau rửa sàn toa - lét, bồn cầu sau khi người bị tiêu chảy đi vệ sinh.
Phòng bệnh chủ động bằng vắc xin cho trẻ từ 2 tháng tuổi.
Lịch tiêm Vắc xin phòng Rota vi rút:
Trẻ sẽ được uống 2 liều vào khoảng thời gian như sau:
Liều 1 có thể bắt đầu từ lúc 6 tuần tuổi.
Liều thứ 2 cách liều thứ nhất khoảng 2 tháng
Nên cho trẻ uống vắc xin ngừa vi rút Rota trước khi trẻ được 6 tháng tuổi./.
Đỗ Hằng