
Vài năm sau thì ngày này được biết đến như ngày Châu Âu tưởng niệm các nạn nhân tai nạn giao thông. Sau đó ngày này được tổ chức thường niên với một số lượng lớn hơn những người tham gia tại rất nhiều quốc gia và châu lục trên thế giới.
Tháng 10 năm 2005, Liên hiệp quốc đã chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật thứ ba của tháng 11 hàng năm là “Ngày Thế giới tưởng niệm nạn nhân giao thông đường bộ” hay còn gọi là “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” trên toàn cầu.
Tháng 3 năm 2010, Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua Nghị quyết công bố “Thập niên hành động vì sự an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2011-2020”.
Nghị quyết này với sự tham gia của Việt Nam và hơn 100 quốc gia khác khuyến cáo “Các nước thành viên tiếp tục tăng cường cam kết về an toàn đường bộ”, kể cả việc tham dự hoặc tiến hành các hoạt động tưởng niệm nhân “Ngày Thế giới tưởng niệm nạn nhân giao thông đường bộ” hay còn gọi “Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tại nạn giao thông”
Hiện nay, ngày kỷ niệm này đã trở thành một công cụ quan trọng trong nỗ lực chung của toàn cầu để cải thiện an toàn giao thông, nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng đến những tổn thất to lớn về tinh thần và kinh tế do tai nạn giao thông gây ra, tưởng nhớ các nạn nhân tai nạn giao thông, vinh danh các dịch vụ cứu hộ và hỗ trợ.
Tại Việt Nam, lần đầu tiên Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia phát động kế hoạch hưởng ứng ngày này vào ngày 19 tháng 11 năm 2012.
Đến năm 2013 thì được tổ chức thường niên trong phạm vi cả nước, nhằm cảnh báo xã hội về thảm họa tai nạn giao thông, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phòng tránh tai nạn giao thông cũng như cầu siêu cho những người đã mất.
Trong năm 2017, theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tại ViệtNam đã có gần 7.000 người chết và gần 12.000 người bị thương tật suốt đời do tai nạn giao thông, nguyên nhân chủ yếu là do hành vi tham gia giao thông không an toàn như : đi không đúng phần đường, làn đường, điều khiển xe quá tốc độ quy định, không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, đi ngược chiều, leo qua dải phân cách, đi bộ qua đường không đúng nơi quy định, chuyển hướng không quan sát, điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia v.v...
Đây thực sự là một thảm họa vì sự thiệt hại về tính mạng và sức khoẻ con người rất to lớn và không gì có thể bù đắp được, trực tiếp đe doạ đến sự sinh tồn và phát triển của giống nòi, dân tộc. Phía sau những cái chết do tai nạn giao thông để lại là rất nhiều em nhỏ mất đi cơ hội đến trường, những thanh thiếu niên không còn tuổi trẻ để học tập và lao động, cha mẹ già không còn nơi nương tựa và đói nghèo ập đến với nhiều gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Nỗi đau mất đi người thân, ảnh hưởng của nó lâu dài thậm chí là mãi mãi. Nhiều mảnh đời thương tâm do hậu quả của tai nạn giao thông để lại nhưng chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ của cộng đồng.
Thông qua hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, ngoài việc cảnh báo cho toàn xã hội về thảm họa tai nạn giao thông, nguyên nhân, nguy cơ gây ra tai nạn giao thông và hậu quả của tai nạn giao thông, còn có ý nghĩa, mục đích kêu gọi sự giúp đỡ, chia sẻ từ cộng đồng về những tổn thất, mất mát, khó khăn của các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn giao thông.
Đó là lý do vì sao cần phải có những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn như “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông”.
Hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông mà Việt Nam cùng với thế giới tổ chức hàng năm là dịp để chúng ta nhắc nhở chính mình, gia đình, người thân… về sự quý báu không gì so sánh được của cuộc sống và sự cần thiết phải chấp hành nghiêm luật giao thông, nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Việt Nam, Ban An toàn giao thông các cấp đã kêu gọi mỗi người dân Việt Nam hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” với thông điệp chung : “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”, “Tính mạng con người là trên hết”, tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông để ngăn chặn thảm họa tai nạn giao thông, góp phần cùng với lực lượng chức năng phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông từ 5% đến 10% hàng năm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), góp phần để giao thông ở đất nước ta ngày càng an toàn hơn.
Các hoạt động hưởng ứng được phát động và tổ chức trên phạm vi cả nước chủ yếu gồm :
- Tập trung tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa của sự kiện tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông;
- Nêu lên những đau thương, mất mát, khó khăn và những địa chỉ cần được giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng, xã hội đối với nạn nhân bị tai nạn giao thông và gia đình nạn nhân bị tai nạn giao thông;
- Cảnh báo các nguy cơ, nguyên nhân và hậu quả nghiêm trọng của tai nạn giao thông;
- Kêu gọi thực hiện các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông đối với toàn xã hội từ những hành động rất nhỏ và đơn giản như : Phải đi đúng phần đường, làn đường; Phải giảm tốc độ từ đường phụ ra đường chính; Phải đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn để bảo vệ chính mình và người thân của mình; Không điều khiển xe sau khi uống rượu, bia; Không phóng nhanh, vượt ẩu, rẽ bất ngờ; Không chở quá số người quy định; Chấp hành đúng quy định đèn giao thông hoặc hiệu lệnh điều khiển giao thông của Cảnh sát giao thông v.v…