Trường hợp cụ bà N.T.T 102 tuổi, trú tại xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy được người nhà đưa đến Trung tâm trong tình trạng sốt cao, tiểu khó, mệt nhiều. Sau khi thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Sau 5 ngày điều trị tích cực, sức khỏe người bệnh ổn định.
Theo BS. Phạm Thị Thu Hồng – Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, tác nhân chính gây nhiễm trùng đường tiết niệu ở người lớn tuổi là do vi khuẩn, vi rút và nấm. Bên cạnh đó, còn có nhiều yếu tố thuận lợi hoặc có nguy cơ cao dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu, như những yếu tố làm cản dòng chảy của nước tiểu từ thận xuống bàng quang và ra ở niệu đạo đều có khả năng gây nhiễm trùng đường tiểu như sỏi đường niệu (sỏi thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo gặp nhiều ở người có tuổi) hoặc do u chèn ép (u bàng quang). Đối với người cao tuổi dễ gặp nhiễm trùng đường tiết niệu hơn vì hạn chế sức đề kháng, một số bệnh nền như đái tháo đường hoặc người bệnh gặp vấn đề về sức khỏe ít vận động …

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy thăm khám cho người bệnh
Dấu hiệu dễ nhận biết nhất về nhiễm trùng đường tiết niệu là đi tiểu nhiều lần, tiểu khó, đau thắt lưng hông, tiểu buốt, đau, xót và có biểu hiện sốt. Nước tiểu có đục (do mủ), hoặc màu hồng (do máu).
Nhiễm trùng đường tiết niệu ở người cao tuổi nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể đưa đến một số biến chứng nguy hiểm như: viêm thận, bể thận cấp tính, suy thận, áp-xe quanh thận hoặc gây viêm bàng quang mạn tính gây khó khăn cho việc điều trị. Viêm đường tiết niệu cũng có thể đưa đến nhiễm trùng huyết - một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
Đối với người cao tuổi khi có những dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu cần đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời. Cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ, không nên chủ quan, không nên bỏ dở liệu trình điều trị nhất là đối với những người bị bệnh nền.
Để phòng ngừa viêm đường tiết niệu, người cao tuổi nên uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày (1,5 – 2,0 lít); không nên nhịn tiểu, vì nếu làm như vậy nước tiểu sẽ ứ đọng trong bàng quang rất dễ nhiễm trùng ngược dòng; nên vận động nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe (tập thể dục, đi bộ…) để giúp cho tiểu tiện dễ dàng hơn; hàng ngày cần vệ sinh sạch sẽ bộ phận vùng kín, với phụ nữ không dội nước (hoặc xịt nước) từ phía sau ra phía trước để tránh đưa chất bẩn từ hậu môn vào đường tiết niệu và bộ phận sinh dục ngoài./.
Hồng Hà