Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Sữa mẹ được tiết ra nhiều từ khoảng 24-48h sau sinh, người mẹ nên bắt đầu cho bé bú càng sớm càng tốt. Nếu mẹ sinh thường, có thể cho con bú ngay trong vòng 30 phút đến một giờ sau sinh. Mẹ sinh mổ, thời gian bắt đầu khoảng 6 giờ sau mổ sinh, vì mẹ phải hồi phục sau tác dụng của thuốc gây tê. Lúc này, tuyến sữa của người mẹ sẽ tiết ra một chất có tên là Colostrum còn gọi là sữa non, chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và các kháng thể tốt cho hệ miễn dịch của trẻ.
Sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ vì trong sữa mẹ đã có đầy đủ năng lượng và nguồn dinh dưỡng như carbohydrat, đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng cần thiết cho sự hấp thu và phát triển của trẻ.
 |
Ảnh minh họa |
Sữa mẹ chứa tất cả những dưỡng chất mà em bé cần và theo tỉ lệ thích hợp, đặc biệt chứa: Lượng nước đủ cho em bé giải khát; chất đạm đặc biệt casein giúp ngăn chặn tiêu chảy, nhiễm trùng hô hấp, viêm tai, dị ứng...; sắt trong sữa mẹ giúp bé dễ hấp thu hơn chất sắt trong sữa bột, sữa bò; DHA giúp bé phát triển não và mắt; các men Lipase và Amylase giúp tiêu hóa chất béo và tinh bột…
Đặc biệt, sữa mẹ còn chứa kháng thể mà không loại sữa công thức nào có giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng cho trẻ, giảm tần suất hoặc mức độ nghiêm trọng của một số bệnh ở trẻ như tiêu chảy, nôn mửa, dị ứng và các nhiễm trùng khác như viêm tai- mũi-họng, viêm phổi, …
Sữa mẹ dễ hấp thu, dễ tiêu hóa. Chất béo trong sữa mẹ được hấp thu tốt hơn nhiều so với các loại sữa khác như sữa bò, sữa dê, sữa công thức. Hàm lượng đạm trong sữa mẹ phù hợp nhất cho nhu cầu phát triển của trẻ, do đó nuôi con bằng sữa mẹ có thể làm giảm nguy cơ thừa cân hoặc béo phì, giảm nguy cơ bị tiểu đường sau này.
Gia tăng mối quan hệ gắn bó với mẹ, có nhiều thời gian gần gũi tự nhiên, đó là yếu tố quan trọng giúp cho sự phát triền hài hòa của trẻ, tăng cường chức năng nhận thức của trẻ.
Mỗi khi bắt đầu cho trẻ bú, những giọt sữa đầu tiên có tỷ trọng nước cao, khi trẻ tiếp tục bú, sữa đúng tiêu chuẩn mới chảy ra. Nguồn sữa này rất giàu nhiệt lượng cho trẻ phát triển. Do đó, bạn hãy cho trẻ bú một bên bầu sữa cho tới khi trẻ ngừng bú hoặc đến khi bầu sữa cạn thì mới chuyển bên kia.
Lợi ích với mẹ khi cho con bú
Khi con bú, oxytocin được tiết ra giúp tử cung co hồi tốt hơn, giúp giảm thiểu lượng máu mất trong thời kỳ hậu sản, chống thiếu máu cho mẹ.
Khi trẻ bú, tuyến yên sẽ tiết ra prolactin. Prolactin ức chế rụng trứng, làm chậm có thai và có kinh trở lại sau sinh. Lượng sắt người mẹ dùng để tạo sữa ít hơn lượng sắt mất do hành kinh, hạn chế thiếu máu do thiếu sắt.
Giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng ở phụ nữ tiền mãn kinh.
Thuận tiện, tiết kiệm thời gian: việc cho bé bú không phụ thuộc vào thời gian, sữa mẹ luôn sẵn sàng, không cần đun nấu, vì đảm bảo tươi, vô trùng và đã ở nhiệt độ thích hợp.
Tăng cường mối quan hệ giữa mẹ và bé, tăng sự thể hiện thiên chức làm mẹ.
Cho con bú đòi hỏi sự tiêu hao năng lượng từ 200- 500 Kcal/ngày, giúp mẹ trở lại trọng lượng như trước khi mang thai nhanh hơn.
Khi nuôi con bằng sữa mẹ, chúng ta không cần mua sữa, bình sữa, dụng cụ pha sữa… do đó, không tạo ô nhiễm môi trường, bao gói và chất thải dư thừa, đồng thời giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Nuôi con bằng sữa mẹ giảm chi phí chăm sóc sức khỏe do trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch tốt, ít ốm vặt, giảm số ngày phụ huynh phải nghỉ ở nhà chăm sóc trẻ./.
Hoàng Nga (tổng hợp)