Vào những năm đầu thế kỷ 21, kết quả các cuộc khảo sát đa quốc gia về thăm dò thái độ của giới trẻ trong quan hệ tình dục tại châu Âu cho thấy mức độ đáng báo động về quan hệ tình dục không được bảo vệ cũng như nhận thức về các biện pháp tránh thai còn thiếu hụt trong giới trẻ. Mặt khác, các chương trình giáo dục sức khỏe, giới tính trong hệ thống nhà trường không đủ để cung cấp thông tin một cách toàn diện về vấn đề này và hệ quả là hàng năm có tới 1/3 trong số 205 triệu trường hợp mang thai trên thế giới là mang thai ngoài ý muốn; 36% ở độ tuổi vị thành niên cho biết có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, trong khi tỷ lệ bệnh lây truyền qua đường tình dục cao nhất ở độ tuổi dưới 25...
Trước tình hình đó, liên minh của 11 tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội khoa học và y khoa quốc tế quan tâm đến sức khỏe giới tính và sinh sản đã thống nhất lấy ngày 26/9 hàng năm là Ngày tránh thai thế giới và phát động lần đầu tiên vào ngày 26/9/2007 tại Châu Âu, với ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ chủ động trong việc mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.

Ảnh minh họa
Mục tiêu của Ngày tránh thai thế giới nhằm cải thiện nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên/ thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các biện pháp tránh thai để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt về sức khỏe giới tính và sinh sản.
Thông qua các hoạt động truyền thông, Ngày tránh thai thế giới sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên (VTN, TN), phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các biện pháp tránh thai để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt hơn trong trong quan hệ tình dục và mang thai ngoài ý muốn.
Năm 2020, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình ban hành hướng dẫn triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới (26/9/2020) với chủ đề: “Đảm bảo việc cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình có chất lượng cho mọi người dân”. Nhằm cung cấp thông tin đầy đủ về nguồn gốc và ý nghĩa của Ngày tránh thai thế giới cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị truyền thông đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của việc tránh thai, nhu cầu sử dụng, khả năng đáp ứng các phương tiện tránh thai (PTTT), vấn đề xã hội hóa các PTTT tại Việt Nam, về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), các biện pháp tránh thai an toàn; đẩy mạnh truyền thông thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Chương trình truyền thông Dân số đến năm 2030 và Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 qua đó nhằm thực hiện tốt công tác dân số, nâng cao chất lượng dân số góp phần phát triển đất nước bền vững./.
Thu Trang tổng hợp