Theo thông tin từ Trung tâm Y tế khu vực Cao Phong, vừa qua, Trung tâm tiếp nhận người bệnh B.T.H 39 tuổi, trú tại xóm Lãi, xã Mường Thàng, tỉnh Phú Thọ đến khám với các biểu hiện chảy máu cam kéo dài, không ngạt mũi, không chảy nước mũi. Qua thăm khám và nội soi Tai – Mũi – Họng, các bác sĩ phát hiện và gắp ra nguyên vẹn một con vắt sống, dài khoảng 3cm đang ký sinh trong hốc mũi. Nếu phát hiện muộn hơn, người bệnh có thể gặp biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, mất máu và tắc đường thở.
Theo Bác sĩ Bùi Thị Thu Trang - Khoa Ký sinh trùng, côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Thọ, hiện tượng vắt chui vào mũi không hiếm gặp. Vì vắt là loài ký sinh thường sống ở nơi rừng núi ẩm ướt, đặc biệt nhiều vào mùa mưa. Không chỉ bò vào quần áo và hút máu ở các vùng da mềm như kẽ chân, háng, nách…, vắt còn có thể chui vào các hốc tự nhiên của cơ thể như mũi, tai, miệng. Đặc biệt, khi chui vào mũi, vắt có thể bám vào niêm mạc mũi, hút máu và tiết ra chất chống đông máu, gây hiện tượng chảy máu cam kéo dài. Do ẩn nấp sâu bên trong, nạn nhân không biết có vắt trong mũi mà chỉ nghĩ là chảy máu thông thường. Một số trường hợp để lâu khiến vắt lớn dần, gây tắc nghẽn đường thở, nhiễm trùng, hoặc thậm chí gây biến chứng nặng nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.

Hình ảnh con vắt sống sau khi được lấy ra
Cũng theo BS. Bùi Thị Thu Trang, khi có các dấu hiệu nghi ngờ có vắt trong mũi như: chảy máu mũi kéo dài, không rõ nguyên nhân, cảm giác ngứa, khó chịu, vướng víu trong mũi, thỉnh thoảng có máu lẫn trong dịch mũi, cảm giác khó thở một bên hoặc nghẹt mũi không rõ nguyên nhân; người dân không nên tự ý cố gắng lấy vắt ra vì có thể gây tổn thương cho mũi, tuyệt đối không tự ngoáy sâu hoặc xịt thuốc mũi mạnh, có thể khiến vắt chui sâu hơn hoặc tổn thương niêm mạc, cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để bác sĩ soi và gắp vắt ra bằng thiết bị y tế chuyên dụng.
Khi đi rừng, người dân nên mặc đồ kín, quần áo dài tay, đi tất cao, có thể bôi dầu gió, thuốc chống côn trùng ở các vùng hở; đeo khẩu trang kín mũi miệng khi đi vào rừng rậm ẩm ướt, đặc biệt khi dừng nghỉ hoặc cúi người xuống thấp; không uống nước suối, ao hồ trực tiếp, vì vắt có thể theo dòng nước chui vào miệng mũi; sau khi rời rừng, người dân nên kiểm tra cơ thể kỹ và quan sát các dấu hiệu bất thường./.
Thu Hương