Một bé trai, 9 tuổi, trú tại xã Chân Mộng, tỉnh Phú Thọ trong lúc chơi đùa đã ngậm thanh nứa vào miệng, không may bé bị ngã, thanh nứa chọc thẳng vào họng, gây chảy máu nhiều. Ngay sau đó, bé được gia đình đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế khu vực Đoan Hùng.
Tại đây, bệnh nhi được các bác sĩ thăm khám và chỉ định thực hiện các cận lâm sàng cần thiết. Kết quả nội soi cho thấy vùng khẩu cái mềm bên phải có vết thương dài khoảng 3cm, bờ nham nhở, chảy máu. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và chỉ định phẫu thuật cho trẻ. Sau phẫu thuật, tình trạng của bé tiến triển tốt, hiện đang được theo dõi, điều trị.

Sau phẫu thuật xử trí vết thương, tình trạng của bệnh nhi tiến triển tốt
Theo BSCKI.Nguyễn Văn Hiếu – Khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế khu vực Đoan Hùng, tai nạn thường xảy ra khi trẻ vừa chơi, vừa ngậm những đồ dùng cứng như đũa, ống hút, bút, thanh kim loại hoặc que gỗ, thanh nứa..., gây ra vết thương rách môi, rách má, rách lưỡi, vòm họng, khẩu cái. Các vết thương này thường nằm chỗ khuất, khó quan sát, gây chảy máu nhiều. Vì vậy, khi xảy ra tai nạn, các bậc phụ huynh cần hết sức bình tĩnh, trấn an trẻ, sau đó dùng bông hoặc gạc làm sạch vùng miệng một cách nhanh nhất, xác định vùng nào đang chảy máu trong miệng, rồi cho trẻ cắn gạc ấn vào vùng chảy máu nhằm giảm lượng máu chảy ra từ vết thương. Sau đó, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Để phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ vào dịp hè, các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ, cần quan tâm, chú ý đến trẻ, không cho trẻ dùng ống hút bằng kim loại hoặc bằng nhựa cứng, không ngậm thanh tre, nứa ở miệng. Khi ăn uống, trẻ nên ngồi một chỗ, không đi lại, chạy nhảy đùa giỡn, tránh vấp ngã khi đang cầm một vật cứng. Việc chủ động giám sát, nhắc nhở và tạo không gian vui chơi an toàn là yếu tố then chốt để bảo vệ trẻ khỏi những thương tích đáng tiếc./.
Hoàng Oanh