Vừa qua, Khoa Ngoại tổng hợp – Chuyên khoa - Trung tâm Y tế huyện Yên Lập tiếp nhận trường hợp T.P.N.K. 8 tuổi, trú tại khu 10, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập trong tình trạng khuỷu tay phải sưng đau, giảm vận động. Trước đó, ở nhà, cháu N.K bị ngã, đập tay phải xuống đất.
Ngay lập tức, các bác sĩ thăm khám và chỉ định chụp X.quang. Kết quả, người bệnh bị gãy trên lồi cầu xương cánh tay phải di lệch độ 2.

Hình ảnh phim chụp X-quang, người bệnh bị gãy trên lồi cầu xương cánh tay phải di lệch độ 2
Các bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp – Chuyên khoa đã hội chẩn trực tuyến với các chuyên gia Bệnh viện Việt Đức, thống nhất áp dụng kỹ thuật gây mê, kéo nắn, bó bột cánh cẳng bàn tay tư thế duỗi cho bệnh nhi. Kết quả chụp X-quang sau 1 tiếng bó bột, trục xương tay thẳng, đầu chi (ngón tay) hồng và vận động tốt, sức khỏe người bệnh ổn định, được ra viện và hẹn tái khám theo lịch của bác sĩ. Với phương pháp điều trị chủ yếu là bảo tồn kéo nắn bó bột giúp người bệnh không phải phẫu thuật và giảm thời gian, chi phí khi nằm viện.

Sau 1 tiếng bó bột, kết quả chụp X-quang cho thấy trục xương tay của người bệnh thẳng, hết di lệch
Theo BSCKI. Hoàng Mạnh Thuần - Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp - Chuyên khoa, trường hợp này may mắn được gia đình đưa đến Trung tâm sớm, tổn thương không quá phức tạp, bởi vậy, chúng tôi áp dụng được kỹ thuật bảo tồn kéo nắn bó bột, không phải phẫu thuật. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp phải can thiệp đến phẫu thuật vì tổn thương phức tạp, người bệnh đến muộn hay sưng nề nặng không thể sử dụng phương pháp bảo tồn được hoặc sửa các di chứng do can lệch. Do vậy, khi trẻ bị tai nạn, người nhà nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất để được khám và tư vấn điều trị kịp thời tránh những hậu quả không đáng có. Ngoài ra, sau khi sử dụng phương pháp kéo nắn và cố định bằng bột, bệnh nhi cần tuân theo chỉ định của bác sĩ trong việc thăm khám và bảo tồn vị trí bó. Lưu ý khi di chuyển đến bệnh viện trong trường hợp gãy xương hoặc nghi ngờ gãy xương, cần được cố định vị trí vết thương. Hiện, Trung tâm Y tế huyện Yên Lập đã thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ tư vấn và vận chuyển cấp cứu người bệnh; người dân có thể gọi trực tiếp cho Trung tâm qua số điện thoại 02106.589.589 để được hỗ trợ kịp thời./.

Hồng Hà - Thu Hằng