Cơ thể con người thường dự trữ chất sắt. Phần lớn lượng sắt nằm trong huyết cầu tố và protein trong hồng cầu, tạo nên hemoglobin giúp chuyên chở dưỡng khí (oxy) đi nuôi các tế bào và loại bỏ thán khí (CO2) ra khỏi cơ thể. Nếu không bổ sung sắt đầy đủ, cơ thể sẽ phải sử dụng lượng sắt dự trữ dẫn đến nguy cơ bị thiếu máu. Tại Việt Nam, phần lớn phụ nữ tuổi sinh đẻ bị thiếu máu do thiếu sắt, ở các mức độ khác nhau, nhất là khi có thai.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản từ 15 đến 49 dễ bị thiếu sắt hơn nam giới do đặc điểm sinh lý của quá trình kinh nguyệt hàng tháng. Biểu hiện thiếu sắt ở giai đoạn đầu là da kém hồng hào hay mệt mỏi, giảm trí nhớ, nặng hơn sẽ có những biểu hiện như tim đập nhanh, khó thở khi gắng sức, tóc rụng, năng suất lao động giảm… Thiếu sắt còn dễ dẫn đến sẩy thai, sinh non, con thiếu dinh dưỡng hay băng huyết khi sinh.
Theo Bộ Y tế, khẩu phần ăn của người Việt chỉ đáp ứng được 30-50% nhu cầu sắt của cơ thể. Bổ sung sắt cho cơ thể bằng việc đa dạng bữa ăn là giải pháp góp phần đẩy lùi nguy cơ bệnh tật. Bạn cần cung cấp cho cơ thể đầy đủ chất sắt trong bữa ăn hàng ngày. Bên cạnh tinh bột và chất xơ, bạn có thể ăn các loại thực phẩm như gan động vật, lòng đỏ trứng, các loại ngũ cốc, hạt bí ngô, đậu nành, rau muống, thịt bò, thịt gà, cá, nấm hương… nhu cầu sắt cho phụ nữ 19-50 tuổi là 18mg mỗi ngày; đối với phụ nữ mang thai, nhu cầu sắt tăng lên 27 mg.
Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chế độ ăn chỉ có tác dụng phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt. Khi đã bị thiếu máu do thiếu sắt thì việc bổ sung qua thức ăn là không đủ. Vì vậy, một giải pháp hữu hiệu được khuyến khích đối với các đối tượng này là sử dụng viên sắt hàng ngày, hàng tuần theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Tuy nhiên, cần cân bằng lượng sắt trong cơ thể, vì nếu lượng sắt trong cơ thể bị thừa có thể dẫn tới hậu quả cho sức khỏe. Sắt dư thừa sẽ được tích lũy trong gan và lách, nếu tích lũy kéo dài có thể dẫn tới suy gan, suy lách và hàng loạt các biến chứng khác.
Theo hướng dẫn của Chương trình phòng chống thiếu máu, phụ nữ tuổi sinh đẻ không có thai uống bổ sung viên sắt/acid folic dự phòng thiếu máu, một đợt trong năm và kéo dài trong 16 tuần (4 tháng liên tục) mỗi tuần uống 1 viên vào 1 ngày nhất định (16 viên/năm/phụ nữ).
Phụ nữ có thai cần uống bổ sung viên sắt/acid folic (60mg sắt nguyên tố và 400mcg acid folic), liều lượng 1 viên/ngày từ khi bắt đầu có thai cho tới sau đẻ 1 tháng. Vì vậy khi có thai, ngay cả trong trường hợp bà mẹ cảm thấy sức khỏe bình thường cũng không có nghĩa là không bị thiếu sắt. Hơn nữa, kể cả khi không bị thiếu máu, việc bổ sung uống viên sắt là điều cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu sắt tăng cao của phụ nữ trong thời kỳ có thai giúp bà mẹ phòng chống thiếu máu dinh dưỡng do thiếu sắt./.
Đào Lan tổng hợp