
Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý và theo dõi chỉ số đường huyết hàng ngày rất cần thiết với người bệnh ĐTĐ trong mùa dịch
Hệ miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể khỏi các vi khuẩn, vi rút tấn công. Tuy nhiên ở người bệnh đái tháo đường, hệ miễn dịch bị suy giảm, sức đề kháng yếu, vi rút dễ tấn công hơn vào các bộ phận trong cơ thể gây tổn thương các cơ quan sâu hơn, nhất là phổi. Nếu bệnh đái tháo đường đã dẫn đến các biến chứng suy gan, suy thận, suy giảm hệ thống miễn dịch thì khi nhiễm COVID-19, bệnh càng diễn tiến nặng, nguy cơ tử vong cao.
Vi rút SARS-CoV-2 sẽ phát triển mạnh hơn khi lượng đường trong máu cao. Người bệnh đái tháo đường khi bị viêm nhiễm dễ làm cho lượng đường trong máu tăng cao dễ dẫn đến các biến chứng của đái tháo đường.
Ngoài nhiễm vi rút SARS-CoV-2, người bệnh đái tháo đường còn dễ mắc các các bệnh lý viêm nhiễm khác như lao phổi, nhiễm trùng da, nhiễm trùng tiết niệu, nữ dễ bị nhiễm nấm âm đạo.
Một số lưu ý cho người bệnh mắc đái tháo đường trong mùa dịch
Người bệnh đái tháo đường luôn có nguy cơ biến chứng rất cao nếu nhiễm COVID-19. Do vậy, trong mùa dịch, bệnh nhân đái tháo đường cần có kế hoạch cải thiện và chăm sóc sức khỏe đúng cách để phòng bệnh:
Tuân thủ phác đồ điều trị bệnh đái tháo đường
Để duy trì kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường cần phối hợp các biện pháp: chế độ ăn hợp lý, vận động hàng ngày và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Người bệnh cũng cần biết tự theo dõi đường huyết của mình để điều chỉnh đúng lúc, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Ngoài ra, người bệnh đái tháo đường nên chủ động tìm hiểu và thực hiện các biện pháp tự chăm sóc bản thân tại nhà như cách tự kiểm tra đường huyết, huyết áp, xử lý các cơn hạ đường huyết, kiểm tra các tổn thương ở bàn chân, duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp… từ các nguồn tài liệu chính thống của Bộ Y tế và các cơ sở y tế có uy tín.
Không chủ quan khi đường huyết không ổn định hoặc tự ý mua thuốc uống
Trong trường hợp huyết áp, đường huyết không ổn định, người bệnh phải đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất. Việc chủ quan không đi khám, bỏ uống thuốc hoặc tự mua thuốc uống tiếp theo đơn cũ có thể khiến lượng đường trong máu không ổn định dẫn tới biến chứng như: đường trong máu tăng quá cao gây hôn mê; tiểu nhiều mất nước, mất điện giải; nguy cơ tai biến mạch máu não, đột quỵ... Ngoài ra, lượng đường tăng cao trong máu làm cơ thể giảm sức đề kháng, do đó người bệnh cũng dễ nhiễm trùng, cảm cúm hơn. Một đơn thuốc có thể chỉ phù hợp trong một giai đoạn nhất định nhằm kiểm soát tốt đường huyết và các chỉ số sức khoẻ khác (huyết áp, mỡ máu…).
Duy trì thói quen tốt cho người tiểu đường
Người bệnh cần đặc biệt lưu ý duy trì thói quen tốt để “sống chung với lũ” một cách “hòa bình”. Luôn kiểm soát đường huyết tốt bằng cách dùng thuốc đều đặn hàng ngày. Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn, thường xuyên để tăng đề kháng và sức khỏe của bản thân. Luôn ngủ đủ giấc, tránh thức khuya. Tránh hoàn toàn các chất kích thích có hại cho sức khỏe như rượu, bia, thuốc lá. Uống thuốc đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ.
Chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng
Chế độ ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân tiểu đường. Chế độ ăn phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, hạn chế tối đa các loại thức ăn chứa nhiều đường và chất béo. Tăng cường rau xanh và uống nhiều nước mỗi ngày. Người bệnh đái tháo đường trong dịch bệnh COVID-19 cần duy trì thói quen sinh hoạt tốt và ăn uống đủ chất
Thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế
Người bệnh đái tháo đường trong dịch bệnh COVID-19 cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng bệnh. Trong đó, không thể bỏ qua quy định “5K” đã được Bộ Y tế khuyến cáo. Tránh tụ tập nơi đông người, tránh xa những nơi tập trung nhiều người lạ. Rửa tay thường xuyên, giữ vệ sinh cơ thể. Khi ra ngoài cần phải đeo khẩu trang. Nên chọn cách làm việc tại nhà trong thời điểm dịch bệnh có diễn biến phức tạp.
Có thể thấy, người bệnh đái tháo đường trong dịch bệnh COVID-19 luôn có những nguy cơ phức tạp về biến chứng, gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Do vậy, cách tốt nhất để phòng bệnh là thực hiện đúng các phải pháp phòng dịch theo hướng dẫn. Đồng thời giữ tâm lý thoải mái, lạc quan trong mùa dịch, tránh những lo âu và phiền muộn không đáng có, ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân./.
Đỗ Hằng tổng hợp